Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sửa Luật với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp

Kinhtedothi - Chiều 24/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, các quy định sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Về gia nhập thị trường, Dự thảo Luật đã bãi bỏ 2 nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông qua việc xác thực định danh cá nhân trên cơ sở kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ bước đầu mà không ảnh hưởng đến quá trình tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không làm tăng thủ tục hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Để xử lý các vướng mắc, bất cập trong quản trị doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả của công tác “hậu kiểm” đối với doanh nghiệp, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 21 nội dung liên quan đến sửa đổi một số nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp để bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động của các loại hình doanh nghiệp; sửa đổi một số quy định để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, địa phương công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là việc hậu kiểm nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, vốn khống, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh việc tích hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công khai minh bạch thông tin, tạo sự an toàn cho người dân, doanh nghiệp về môi trường kinh doanh.

Để đáp ứng cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền giai đoạn 2021-2025, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 24 nội dung về cung cấp, lưu giữ và chia sẻ thông tin liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Các quy định điều chỉnh, bổ sung mới về nội dung này không làm phát sinh thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị làm rõ tác động làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ khi quy định bổ sung trách nhiệm kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nhất là về điều kiện bảo đảm mức độ đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng tính thuyết phục của đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” ở mức độ hợp lý và bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, bảo đảm mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Doanh nghiệp cùng quy định về thuật ngữ pháp lý “chủ sở hữu hưởng lợi”; rà soát các dự án luật đang đồng thời trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, bảo đảm sự thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đưa doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế; từ đó việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát thiết kế các quy định hợp lý nhằm không tạo thêm áp lực cho hoạt động của doanh nghiệp.

Kết luận nôi dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét Dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 5/5 tới.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ