Thực tế không đợi chính sách
Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh măm 2023, đề xuất sửa đổi một loạt quy định của Luật Thuế TNCN. Theo lộ trình này, dự kiến, phải mất đến 3 năm nữa, Luật Thuế TNCN mới được thông qua. Tuy nhiên, thực tế nền kinh tế đang biến động từng ngày, từng giờ, vì vậy có nhiều quy định lỗi thời, gây thiệt thòi cho nhiều đối tượng nộp thuế.
Luật Thuế TNCN hiện hành quy định, trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Để cho ra mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng hiện nay, Bộ Tài chính đã lấy mức 9 triệu đồng nhân với tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng của năm 2019 so với năm 2013 là 23%. Cách tính này đúng luật nhưng chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cuộc sống. Bởi vì, chờ CPI tăng 20% là quá lâu, sẽ thiệt thòi cho người lao động. Do đó, cần sửa quy định này. Thực tế, với người làm công ăn lương, giá cả chỉ cần biến động 10% đã ảnh hưởng rất nhiều đến chi tiêu hàng ngày, vì chủ yếu chi cho nhu cầu thiết yếu, mà hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thường tăng cao hơn so với mặt bằng giá cả.
Anh Nguyễn Đức Giang, làm việc tại phường Dương Nội (Hà Đông) cho rằng, những bất cập, bất hợp lý về Thuế TNCN ai cũng thấy, nhưng đến giờ vẫn chưa được sửa. Đặc biệt, cuộc sống thay đổi từng ngày, nhưng Thuế TNCN vẫn lạc hậu. Vì vậy, nếu phải chờ tới năm 2026 mới sửa Luật là quá muộn, trong khi gánh nặng về chi tiêu từng ngày vẫn đang là nỗi lo của nhiều gia đình khi cuộc sống khó khăn nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN. “Rất mong Chính phủ có cái nhìn sát hơn về thị trường, để sớm có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống” – anh Giang bày tỏ.
Năm 2022, thu ngân sách Nhà nước đối với Thuế TNCN cả nước lên đến 166.733 tỉ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021; vượt so với dự toán đề ra đầu năm 48.658 tỉ đồng.
PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho biết: Thời gian tới tình hình kinh tế trong nước và thế giới dự báo vẫn chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh, căng thẳng tại một số nơi trên thế giới, người dân phải chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn trên. Hiện giá cả hàng hóa vẫn tăng, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, cần phải xem xét sửa Luật TNCN càng sớm càng tốt, nhằm hỗ trợ người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu.
Sớm điều chỉnh toàn diện
Theo kết quả rà soát toàn bộ 35 Điều của Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính đã xác định có 22 điều cần phải sửa đổi, bổ sung. Trong đó chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh và các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, Luật Thuế TNCN phải được sửa toàn diện. Luật TNCN đã được xây dựng từ cách đây hơn 10 năm, có những điểm bất cập, hạn chế cần xem xét cân nhắc, tính toán điều chỉnh cho phù hợp hơn. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh là một trong những yếu tố cần phải xem xét, sửa đổi. Vì thực tế kinh tế - xã hội phát triển, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên, tuy nhiên, giảm trừ gia cảnh vẫn tính theo mức cố định, như vậy không hợp lý.
Góp ý thêm về mức giảm trừ gia cảnh, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng Luật TGS cho rằng, nếu chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh mà các bậc thuế, thuế suất vẫn giữ như hiện hành thì mới chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế. Trong khi những người đang nộp thuế hiện nay thì không được điều chỉnh đáng kể. Hay nếu chúng ta chỉ giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc nhưng thuế suất cao nhất vẫn để mức 35% thì tỷ lệ điều tiết vẫn cao hơn hiện nay. Cần phải tính toán lại việc thu thuế TNCN theo hướng không đánh thuế với nhóm người có thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Thu thuế thấp với nhóm người có thu nhập đáp ứng được nhu cầu sống trung bình. Chỉ thu thuế cao đối với nhóm người có mức sống cao thật sự.
Đồng tình với kiến nghị cần sửa Thuế TNCN càng nhanh càng tốt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm, khi chính sách đã ban hành ra không phù hợp với thực tiễn bắt buộc phải sửa đổi. Bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.
Ngoài ra, cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa hai tiêu chí, khấu trừ cố tịnh và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý). Hiện tại, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến, thành ra cào bằng.
Theo ông Thịnh, không thể điều hành thuế theo lạm phát, vì mỗi năm, mức sống, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng phải tăng lên. Thực tế, từ 1/7/2013 đến nay, đời sống của người dân cũng đã nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều. Thuế TNCN cần phải linh hoạt và bám sát tình hình thực tế.