Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sữa Việt vào chính ngạch thị trường Trung Quốc: Chiến lược để thích nghi

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sữa và các sản phẩm từ sữa đến gần 50 quốc gia trên thế giới. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, hoạt động xuất khẩu sữa dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Quầy sản phẩm sữa chua của Vinamilk được trưng bày bắt mắt tại siêu thị Hợp Mã, Hồ Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, tổng đàn bò sữa của Việt Nam đạt trên 294.000 con, sản lượng sữa đạt gần 940.000 tấn. Mục tiêu đến năm 2020, tổng đàn bò đạt 500.000 con, sản lượng sữa đạt 1 triệu tấn; đến năm 2030, tổng đàn bò đạt 700.000 con, sản lượng sữa đạt 2 triệu tấn.
Giá trị xuất khẩu tăng trưởng hơn 27,3%
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, doanh thu ngành sữa ước đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Trong giai đoạn 2016 - 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa tăng, từ 84,47 triệu USD năm 2016 lên 129,68 triệu USD năm 2018. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình cả giai đoạn tăng trưởng hơn 27,3%. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là: Iraq, Hồng Kông, Trung Quốc, Afganistan, Philippines…
Phó cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh nhận định, trong năm 2019, hoạt động xuất khẩu sữa dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các DN trong nước tăng cường thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài. Đơn cử như, Vinamilk, ngoài xuất khẩu sản phẩm thì Vinamilk đầu tư về ngành sữa sang Mỹ, New Zealand, Campuchia, Ba Lan, Lào, Myanmar và đang tìm kiếm, mở rộng thị trường sang EU, châu Phi và Nam Mỹ; TH true Milk đầu tư dự án khoảng 2,7 tỷ USD sang Nga để chăn nuôi, chế biến sữa.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa nước này hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu. Sữa là một trong những mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 19%. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu tới gần 2,8 triệu tấn sữa với kim ngạch gần 11 tỷ USD. Dự báo năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 39,4 triệu tấn sữa và sản phẩm sữa, trong đó lượng sữa tươi nhập khẩu khoảng 750.000 tấn và sữa bột khoảng 650.000 tấn.
Tuy nhiên, năm 2019 cũng là năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đồng nghĩa với việc ngành sữa phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn về giá. Thuế nhập khẩu sản phẩm sữa từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản sẽ cắt giảm xuống còn 0% khiến các dòng sản phẩm này tăng khả năng cạnh tranh về giá.
Lần đầu xuất khẩu sữa chính ngạch sang Trung Quốc
Sau hơn 6 năm đàm phán, Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa (Nghị định thư) của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết tạo cơ hội lớn cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này. Mặc dù Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với các DN sữa Việt, song theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, các sản phẩm sữa của Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với sản phẩm của các nước khác. Đáng lưu ý, trong Nghị định thư quy định rõ sữa nguyên liệu phải xuất xứ từ Việt Nam, vì vậy, các DN Việt, kể cả hợp tác xã và hộ nông dân cần nâng cao năng lực sản xuất, nhất là gắn kết các vùng nguyên liệu, đảm bảo ATTP, để đáp ứng nguồn cung sang thị trường Trung Quốc.
Ngay cả khi Nghị định thư chưa được ký kết, Bộ NN&PTNT đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm sữa đến tận nhà sản xuất sữa và các trang trại bò sữa. Về phía các DN đã bắt tay ngay vào tổ chức lại sản xuất chăn nuôi bò sữa theo chuỗi khép kín, kiểm soát được an toàn dịch bệnh và ATTP. Cùng với đó, các DN đầu tư hiện đại hóa các cơ sở, các hệ thống trạm thu mua sữa nguyên liệu và các nhà máy sữa hiện đại đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc và khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sữa nguyên liệu và các sản phẩm thành phẩm.
Tín hiệu đáng mừng nhất là ngay trong tháng 10/2019, lô sữa đầu tiên của Việt Nam sẽ chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 5 DN đầu tiên được đề xuất xuất khẩu gồm: Vinamilk, TH True milk, Mộc Châu Milk, Nutifood và Hanoimilk. Bộ NN&PTNT dự báo, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sữa sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD trong năm tới.
Chủ động nguồn cung, xây dựng thương hiệu
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, Trung Quốc đã và đang trở thành thị trường khó tính. Thực tế, rất nhiều công ty lớn trên thế giới đã thất bại hoặc rời khỏi Trung Quốc khi không có chiến lược phù hợp để thích nghi. Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung cho rằng, không chỉ chuẩn bị tốt về tài chính và năng lực sản xuất, các DN sữa Việt cần chủ động nguồn cung nguyên liệu, có chiến lược kinh doanh, tiếp thị phù hợp với văn hóa của người tiêu dùng Trung Quốc.
Từ đó, tạo được chỗ đứng vững chắc cho thương hiệu sữa Việt tại thị trường có quy mô dân số lớn nhất thế giới này. Một vấn đề đáng lưu ý là việc tổ chức lại sản xuất của DN, hợp tác xã và người nông dân phải được liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo từ vùng nguyên liệu. Kể cả các vùng nguyên phụ liệu phục vụ cho chế biến các sản phẩm từ sữa cũng phải đầu tư theo đúng quy trình, để không bị đứt đoạn. Như vậy mới đảm bảo được nguồn sữa thường xuyên cung cấp cho chế biến các sản phẩm sữa đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm sữa Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tổ chức Ngày giới thiệu sản phẩm sữa Việt Nam tại các TP lớn; cùng với đó, tăng cường kết nối với các tập đoàn và DN để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn của Trung Quốc.