Chưa ai khăn áo trẩy hội Xuân, mà bất chợt đã thấy vấn đề “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội” lan tỏa trong đời sống thị thành.
Thế mới biết, câu chuyện bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống của đất Hà thành là góc ăm ắp tự hào và chất chứa lo toan của các nhà quản lý văn hóa, bảo tồn di sản trong thời đương đại, nhất là khi Xuân ngấp nghé bên thềm.
Cuộc tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội” mở ra mới đây ở di tích Đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ) như nhắc nhớ về một Hà Nội dung dị và đậm đà bản sắc xưa, đang được kết nối hài hòa trong đời sống “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” hôm nay. Rõ là giữa những cao ốc mọc lên san sát theo thời gian, những đường vành đai trên cao, cầu vượt, hầm chui rộng mở, vẫn còn đó “đường giăng mắc cửi, phố ô bàn cờ” thuở nào đón đưa người đô thị mỗi ngày.
Giữa nhịp sống công nghiệp bộn bề hôm nay, trong lòng người Hà Nội vẫn ghi dấu tới 1.206 lễ hội truyền thống độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa khá riêng biệt của Hà thành.
Lễ hội truyền thống không nằm trong lòng người Hà Nội thì sao người đương thời vẫn “đếm” và nhận diện được cả ngàn lễ hội như vậy? Nhận diện để gìn giữ, để yêu mến, để phát huy và để tự hào về mảnh đất nghìn năm văn hiến trầm tư nhưng rất đỗi hào hoa.
Lễ hội sống trong lòng người Hà Nội nên người ta nhìn thấy sức sống của di sản giữa bốn bề giao thoa và hội nhập văn hóa. Vì thế mà 12 quận của khu vực nội thành Hà Nội còn đếm được tới 221 lễ hội truyền thống, trung tâm như Hoàn Kiếm có 10 lễ hội vẫn đi về trong lòng người phố cổ, như Ba Đình vẫn có 19 lễ hội được nhắc nhớ hằng năm.
Nhiều như quận Hà Đông thì tới 46 lễ hội, Long Biên thì tới 34 lễ hội được mong chờ ngày trống giong cờ mở… Vì thế mà 18 lễ hội của đất nghìn năm đã được ghi danh vào Danh mục Di sản phi vật thể quốc gia.
Thử hỏi ai là người Hà Nội mà không hào hứng với những tên hội Lệ Mật, Trường Lâm (quận Long Biên), Chèm, Đăm (quận Bắc Từ Liêm), Láng (quận Đống Đa), Thị Cấm (quận Nam Từ Liêm), Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), Mọc (quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), Hội thề Trung Hiếu (quận Tây Hồ)?…
Đúng như Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng chia sẻ: “Nhiều lễ hội mang tính tổng hợp, biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, in dấu trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật, lễ phục, ẩm thực cúng tế, các trò chơi, trò diễn dân gian. Có nhiều hội đền, hội đình, hội chùa không chỉ trong phạm vi địa phương mà thuộc nhiều phường, quận. Có lễ hội vẫn giữ nguyên được truyền thống giao hảo, kết chạ có từ hàng trăm năm nay”.
Lễ hội không sống trong lòng người Hà Nội thì làm sao những tinh hoa văn hóa ấy còn được trao truyền đến hôm nay như vậy?
Đấy là căn cốt để “giải mã” cho câu chuyện đầu năm nay, nghi thức rước kiệu Đức Thánh Láng tại Hội chùa Láng được phục dựng sau 70 năm bị gián đoạn hội tụ hàng vạn người tham gia; tạo nên khối đại đoàn kết giữa các cộng đồng thực hành di sản và Nhân dân các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, cùng chung tay, góp phần làm sống lại nghi thức sinh hoạt văn hóa của vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
Còn Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ vẫn được giữ nguyên giá trị suốt hơn 2 thế kỷ, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức của con người...
Biết chắc rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống thực sự là phương thuốc hay để bảo lưu và tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa Hà thành, đưa di sản trở thành tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Dẫu vậy, trong lòng người Hà Nội hôm nay vẫn canh cánh nỗi lo về môi trường văn hóa lễ hội bị biến đổi trước tác động của cơn lốc đô thị hóa, giao lưu và hội nhập văn hóa.
Nỗi lo ấy không vô cớ khi mà những hình thức biến tướng, trục lợi, thay đổi không gian vốn có của lễ hội đã hiện diện và réo rắt hồi chuông báo động trong cộng đồng.
Nỗi lo ấy không vô cớ khi chính những người làm công tác bảo tồn di sản phải lên tiếng cảnh báo về thách thức đặt ra đối với bảo tồn giá trị lễ hội truyền thống ở nội thành Hà Nội.
Đó là sự mai một nhanh chóng của di sản ở cả không gian lễ hội và chính di sản; là sự thay đổi của cộng đồng vì người dân khu vực nội thành phần lớn là nhập cư, mối liên hệ dòng họ, làng, xã lỏng lẻo; là áp lực mưu sinh khiến những nét đẹp trong lễ hội dần bị lãng quên, ví như ẩm thực trở nên lai căng, không còn phong vị riêng của vùng đất; là áp lực về nhận thức khi giới trẻ không gắn bó với cách làm và thực hành lễ hội.
Nỗi lo còn đầy vơi khi chính sách pháp luật không theo kịp áp lực đang đè nặng lên công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội.
Bấy lâu nay, di sản sống được là nhờ cộng đồng thực hành và trao truyền liên tục qua các thế hệ như cơm ăn áo mặc, như máu thịt của mình. Bảo vệ di sản sống chính là bảo vệ con người, bảo vệ nó trong xã hội không ngừng biến đổi.
Cũng đồng nghĩa gìn giữ và phát huy di sản Hà thành là làm tăng sức đề kháng cho văn hóa đất nghìn năm trước những lai căng, biến tướng, du nhập văn hóa. Lựa chọn thật kỹ các lễ hội cần ưu tiên bảo vệ, cần nhận diện cộng đồng thực hành di sản, hay cần có chính sách riêng cho bảo tồn và phát huy di sản
Hà thành… lại tiếp tục là những câu hỏi trên hành trình đi và đến phía trước của các nhà quản lý văn hóa và những người làm di sản đất Thăng Long.