Lo dồn ứ cuối năm
Mới khoảng 1 tháng trước đây, nhiều trung tâm đăng kiểm kêu “ế khách”, giảm doanh thu. Tuy nhiên, ghi nhận tại thời điểm hiện tại, lượng ô tô đến các trung tâm đăng kiểm kiểm định lại đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Lãnh đạo phụ trách một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội cho biết, nhu cầu kiểm định ô tô của người dân đã tăng dần theo từng tháng. Nếu như tháng 7/2023, năng suất của trung tâm chỉ đạt 39% so với tháng 7/2022 thì đến tháng 8/2023 đã đạt 52% và tháng 9/2023 đạt 73% so với các tháng cùng kỳ năm 2022.
Phía Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng xác nhận, lượng ô tô đến các trung tâm đăng kiểm kiểm định xe đã đông hơn và tập trung ở một số đơn vị đăng kiểm. Song, hiện nay, số lượng trung tâm đăng kiểm đã mở lại nhiều (266/288 đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc đang hoạt động) nên không xảy ra tình trạng quá tải kiểm định như trước đây.
Theo các chuyên gia giao thông, thông lệ, dịp cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán, số lượng phương tiện tới hạn kiểm định rất lớn.
Kèm theo đó, tháng 1 và tháng 2/2024 sẽ trùng với lịch nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, tổng thời gian nghỉ khoảng 10 - 15 ngày, người dân có tâm lý đưa phương tiện đi kiểm định trước khi hết hạn để đi chơi Tết và không phải đi đăng kiểm ngày đầu năm mới. Các tháng đầu năm và cận Tết Nguyên đán hằng năm, lượng xe tới đăng kiểm sẽ tăng từ 20 - 30% so với các tháng còn lại của năm.
Đặc biệt hơn, vào nửa đầu năm 2024, khoảng 1,4 triệu ô tô được tự động gia hạn đăng kiểm thêm 6 tháng của nửa cuối năm 2023 sẽ tới kỳ phải đưa đi kiểm định lại. Với các lý do trên, số ô tô tới hạn đăng kiểm trong nửa đầu năm 2024 sẽ có thể gấp 2 - 3 lần bình thường. Sức ép với các trung tâm đăng kiểm sẽ trở lại.
Lên kế hoạch sẵn sàng, chủ động tránh quá tải
Để tránh tình trạng ùn ứ, quá tải đăng kiểm dịp cuối năm, gần Tết Nguyên đán, các trung tâm đăng kiểm cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực.
Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo, các chủ xe có nhu cầu nên chủ động sắp xếp thời gian, đặt lịch hẹn đăng kiểm phương tiện sớm để tránh phải chờ đợi lâu cũng như giảm áp lực cho các đơn vị đăng kiểm.
Theo ý kiến của lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhu cầu đăng kiểm đến nay tăng trở lại song không có tình trạng bị quá tải, tuy nhiên, việc người dân không đăng ký lịch hẹn kiểm định qua app, tự đưa phương tiện đến các đơn vị đăng kiểm vào đầu giờ làm việc mỗi ngày dẫn đến việc phải xếp hàng dài chờ đợi.
Vì vậy, người dân nên đăng ký lịch hẹn kiểm định qua app TTDK và đưa xe đến kiểm định theo đúng khung giờ lựa chọn tránh phải chờ đợi lâu và tránh gây khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm sắp xếp nhân lực phục vụ.
Hiện nay, trên app TTDK đã hỗ trợ cả đặt lịch kiểm định cho chủ xe là cá nhân và các đơn vị kinh doanh vận tải.
“Giải cứu” các trung tâm đăng kiểm thoát thua lỗ
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay thị trường cung cấp dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới có 281 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, trong đó các trung tâm đăng kiểm thuộc khối tư nhân đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị (chiếm 68,3% tổng số các trung tâm đăng kiểm). Sau khi Nghị định số 30/2023 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã được mở rộng, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới có thể sẽ được tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm bảo dưỡng thuộc đại lý 3S/4S.
Một số lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nhận xét, giá dịch vụ kiểm định hiện nay được xây dựng theo mức lương tối thiểu cách đây 10 năm nên đã quá lạc hậu và không phù hợp với thực tế. Giải pháp hiện nay để "giải cứu" các trung tâm đăng kiểm thoát khỏi nguy cơ thua lỗ là điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm, từ đó giúp các trung tâm đăng kiểm cân đối thu chi.