Điểm cộng của nghề lập trình
Người làm nghề lập trình (lập trình viên) là người tạo ra các chương trình, ứng dụng, website,…Với nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như Python, PHP, Java, Ruby, C/C++, JavaScript...
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF), nghề lập trình là một trong những nghề có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong thập kỷ này. Lập trình viên luôn lọt top "việc làm tốt" trên các sàn tuyển dụng trực tuyến.
Nhu cầu thị trường đối với những người có kỹ năng lập trình đang ngày càng tăng, không chỉ ở các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, mà còn ở nhiều ngành nghề khác nhau như: y tế, giáo dục, tài chính, thương mại điện tử và các ngành công nghiệp khác.
Cơ hội nghề nghiệp của lập trình viên được cho là rất rộng mở khi hiện nay, các công ty công nghệ thông tin (CNTT) đang phát triển rất nhanh chóng và đa dạng với nhiều lĩnh vực, từ phát triển ứng dụng di động, trò chơi, trí tuệ nhân tạo, đến an ninh mạng, khoa học dữ liệu và điện toán đám mây.
Thực tế cho thấy, trong quá trình học tập, sinh viên, học viên học ngành lập trình sẽ được chú trọng phát triển các kỹ năng thực tiễn như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề thực tế, làm quen với môi trường làm việc, văn hóa DN… và được làm việc tại hầu hết các DN hoặc tổ chức như ngân hàng, thương mại điện tử, công ty CNTT, viễn thông, công ty gia công phần mềm, bất động sản.
Lập trình viên cũng có thể tạo nguồn thu nhập lớn cho bản thân dựa vào kinh nghiệm và kỹ năng hoặc cũng có thể cải thiện thu nhập bằng cách chuyển sang các lĩnh vực như: quản lý dự án, giám sát, đào tạo lập trình viên mới…
Một điểm đáng chú ý là các công ty công nghệ thường cho phép lập trình viên làm việc từ xa hoặc có thời gian làm việc linh hoạt. Điều này đặc biệt có giá trị đối với những lập trình viên có nhu cầu về thời gian và không muốn bị giới hạn bởi giờ làm việc cố định.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các công ty phần mềm trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Những công ty này thường tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng và khả năng làm việc tốt trong môi trường toàn cầu. Điều này có nghĩa là lập trình viên có thể làm việc cho các công ty và tổ chức trên toàn thế giới. Điểm này cũng tạo nên sức hút cho lập trình viên khi họ có nhiều cơ hội hơn để tìm kiếm các dự án và việc làm mới, tăng cơ hội cho sự phát triển nghề nghiệp và thu nhập.
Nhiều thách thức
Công việc của lập trình viên được chia thành nhiều mảng như: lập trình và phát triển hệ điều hành, lập trình website, lập trình mobile, ứng dụng games… Vì vậy, tùy thuộc vào vị trí làm việc và sự phân công nhân sự tại mỗi doanh nghiệp mà công việc cụ thể của lập trình viên sẽ khác nhau.
Để có thể chạy được một ứng dụng, phần mềm,... ứng viên ngành lập trình phải học, nắm rõ những kiến thức cơ bản, các thuật ngữ lập trình, chuyên môn về kỹ thuật để vận dụng và đạt được các kết quả tốt nhất trong công việc. Giỏi toán được cho là lợi thế của lập trình viên.
Phần lớn các đoạn mã lập trình hiện nay đều được viết bằng tiếng Anh nên trong ngành lập trình, việc sử dụng thành thạo tiếng Anh gần như là yếu tố tiên quyết, quyết định ứng viên có thành công với nghề nghiệp hay không.
Bên cạnh những yêu cầu cao về trình độ, nghề lập trình cũng đối diện với không ít thách thức. Đầu tiên là công nghệ thay đổi liên tục đòi hỏi lập trình viên phải nhạy bén cập nhật và học tập những công nghệ mới để giữ được sự cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc học tập và cập nhật liên tục là một yêu cầu bắt buộc đối với lập trình viên. Tuy nhiên, nếu không đủ tư duy linh hoạt và không đủ nỗ lực học tập, lập trình viên có thể rơi vào tình trạng lạc hậu và khó tìm được việc làm trong thị trường lao động.
Lập trình viên thường phải đối mặt với các dự án có thời hạn ngắn, yêu cầu chính xác và tính chất phức tạp. Việc hoàn thành các dự án trong thời gian ngắn và đáp ứng yêu cầu của khách hàng có thể tạo ra áp lực rất lớn cho lập trình viên.
Thêm vào đó, lập trình viên thường phải làm việc với các lỗi phần mềm, lỗi phát sinh trong quá trình phát triển sản phẩm. Việc tìm kiếm và sửa lỗi có thể mất rất nhiều thời gian và công sức, đồng thời làm tăng áp lực và đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề của lập trình viên.
Trong doanh nghiệp hoạt động nhiều dự án, lập trình viên có thể đối mặt với áp lực để đáp ứng các yêu cầu của nhiều dự án cùng lúc. Việc phải quản lý và phân chia thời gian giữa các dự án có thể làm giảm hiệu quả công việc, cũng như ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Không những vậy, lập trình viên thường phải làm việc nhiều giờ liên tục trên máy tính, phải ngồi ở vị trí cố định trong nhiều giờ mỗi ngày. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất (đau lưng, đau cổ, đau vai, mỏi mắt, khô mắt…) và sức khỏe tinh thần (stress, lo âu, rối loạn giấc ngủ...).
Theo các chuyên gia lập trình, ngoài đại học, cao đẳng, người học lập trình có thể tìm đến trung tâm công nghệ thông tin có chất lượng. Trong thị trường việc làm cạnh tranh như hiện nay, bằng cấp sẽ chỉ chiếm một phần trong hồ sơ xin việc. Có rất nhiều nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến kinh nghiệm làm việc cũng như những kiến thức nghề nghiệp mà ứng viên tích lũy được.
Khi xác định học và làm nghề lập trình, ngoài hiểu được tính chất nghề nghiệp thì người học cần nổi trội ở một số kỹ năng như: khả năng tập trung; phân tích, tư duy logic; giải quyết vấn đề; linh hoạt giữa làm việc độc lập và theo nhóm; tổ chức và quản lý thời gian; tự học, tự trau dồi; làm việc trong môi trường áp lực; sự tỉ mỉ, cẩn thận, nhạy bén, kiên nhẫn…
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, học sinh hãy tích cực trau dồi khả năng tiếng Anh, kiến thức chuyên ngành; đồng thời tích cực tận dụng cơ hội phát triển và rèn luyện kỹ năng để nâng tầm giá trị bản thân, phục vụ tốt cho công việc sau này.