Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức mạnh đại đoàn kết - bài học thời đại

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 46 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã diễn ra toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đó là thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khẳng định ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đến hôm nay, thắng lợi ấy càng được khẳng định và trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cội nguồn sức mạnh

Các nghiên cứu lịch sử đã chứng minh, thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975 là kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố nội lực là quan trọng nhất; đó là sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm, với tốc độ thần kỳ "một ngày bằng 20 năm", được mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, với trận đột phá then chốt Buôn Ma Thuột.
 
Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước chuyển mới về chiến lược đối với chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Hai chiến dịch kế tiếp nhau: Chiến dịch Trị Thiên - Huế và Chiến dịch Đà Nẵng đã giải phóng hoàn toàn vùng duyên hải miền Trung. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Ngay sau đó, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các đảo còn lại như: Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc đã được giải phóng. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn liền một dải từ Móng Cái đến mũi Cà Mau.
46 năm đã trôi qua, độ lùi thời gian càng làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của Đại thắng mùa Xuân 1975, đồng thời, giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, sâu sắc và toàn diện hơn sự kiện này.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã chứng minh, khi “ý Đảng” hợp với “lòng dân” thì sẽ hội tụ được sức mạnh, làm cho “thế trận lòng dân” càng được phát huy cao độ, tạo nên cao trào cách mạng quyết tâm giành toàn thắng. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn thể dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc, đó chính là cội nguồn sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Với vai trò là “hậu phương lớn” cho chiến trường miền Nam, khắp các địa phương của miền Bắc đã dấy lên những phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” như phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, nông dân “Tay cày tay súng”, công nhân “Tay búa, tay súng”, học sinh “làm nghìn việc tốt”… Thực hiện mục tiêu duy nhất là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, 70% gia đình ở miền Bắc đều có người thân chiến đấu trên chiến trường miền Nam...

Khơi nguồn sức bật bằng ý chí quật cường

Những bài học để giành thắng lợi trong chiến tranh của 46 năm trước còn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế hôm nay và đây cũng là một phần không thể thiếu trong hành trang của dân tộc bước vào tương lai.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đã khẳng định ý chí quật cường, bản lĩnh vươn lên mạnh mẽ, không khuất phục trước khó khăn. Ngay sau khi giành được độc lập, trong thư gửi các em học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm khát vọng về một Việt Nam có thể “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải nằm trong Khu du tích đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quang Hải
Lời cuối trong Di chúc, Bác cũng mong mỏi: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nếu tính từ dấu mốc năm 1975, sau khi hòa bình, thống nhất, con đường để thực hiện mong ước, khát vọng của Bác về một Việt Nam “giàu mạnh” đã được gìn giữ, nuôi dưỡng trở thành động lực và hành động thôi thúc chúng ta trăn trở, suy nghĩ và hiện thực hóa ước mơ xây dựng đất nước cường thịnh.

Đã 46 năm qua đi, người dân Việt Nam sống trong hòa bình độc lập, lịch sử Việt Nam đã bước sang một trang mới của thời đại mở cửa và hội nhập cùng thế giới. Như trong các Nghị quyết của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. 46 năm sau ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã phát triển toàn diện, thực sự thay da đổi thịt…, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế - tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, ngày càng khẳng định vị thế và uy tín với bạn bè quốc tế.
Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng dương, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội…
 Toàn cảnh TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: Huy Chương
Trên cơ sở những thành tựu đã có, cả nước đang bước vào một giai đoạn mới, để đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD, trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chiến thắng 30/4/1975, một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc vẫn luôn là bệ đỡ để đất nước có thêm bản lĩnh, niềm tin vượt lên khó khăn, gian khổ, vững vàng, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm đổi mới. Chiến thắng ấy cũng là động lực để chúng ta vươn ra biển lớn trong cuộc hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam. Bởi những bài học, kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị, trở thành bài học thời đại trong quá trình hội nhập sâu rộng quốc tế hiện nay.

"Tôi nghĩ rằng, thế hệ hôm nay cần học bài học từ lịch sử, từ sự đoàn kết, đồng tâm, nhất trí, sáng tạo, quyết tâm chiến đấu để chiến thắng kẻ thù xâm lược, thì giờ đây là quyết tâm chiến đấu, chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu để đưa đất nước phát triển. Người Việt Nam bản chất rất năng động, thông minh, sáng tạo, nếu tạo được sự đồng tâm, nhất trí giữa lãnh đạo với quần chúng Nhân dân thì mọi việc đều có thể thực hiện tốt đẹp. Dựa được vào dân, thực hiện đúng khẩu hiệu của dân, do dân, vì dân thì tôi nghĩ không có việc gì mà chúng ta không thể vượt qua." - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà