Báo cáo với đoàn kiểm tra, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết Quý Mão, ngay từ cuối quý III/2022 siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa. Các mặt hàng chủ lực kinh doanh trong giai đoạn cao điểm Tết này là bánh kẹo, trái cây, bia, nước giải khát, mì, trà… với tổng giá trị gần 70 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm ngoái. Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, siêu thị luôn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khâu đầu vào.
Ngoài bán hàng trực tiếp, đơn vị tập trung đẩy mạnh và khai thác kinh doanh, đơn hàng thông qua thương mại điện tử, mạng xã hội zalo, fanpage... Xây dựng các chương trình khuyến mại riêng cho khách hàng, đơn hàng online góp phần gia tăng doanh số và bắt kịp xu thế, nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết nguyên đán, siêu thị sẽ mở cửa đến hết 12 giờ ngày 30 Tết (tức 21/1/2023), dự kiến mở cửa kinh doanh vào ngày mùng 6 Tết (tức 27/1/2023).
Tương tự, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, ngay từ đầu quý II/2022 hệ thống siêu thị Big C đã làm việc với tất cả nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất và dự trữ hàng từ đầu tháng 10/2022 với lượng hàng trị giá 351 tỷ, tăng 21,7% so với Tết năm 2022. Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Big C & GO! khu vực Hà Nội và miền Bắc Lê Mạnh Phong cho hay, để kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Quý Mão, siêu thị Big C tổ chức nhiều chương trình khuyến mại như mua một tặng một, giảm giá 50%.
Thông tin từ siêu thị Big C cho thấy, đến thời điểm này, lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến sau Tết ông Công ông Táo (23 Tết) lượng khách sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. “Các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia sẽ được tiêu thụ mạnh trong thời gian cận Tết. Còn mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau, trái cây sẽ tăng 5 - 7 lần so với ngày bình thường” - ông Lê Mạnh Phong dự báo.
Đánh giá việc các doanh nghiệp bán lẻ dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ, lượng hàng hóa dự trữ dồi dào, đầy đủ, đa dạng phong phú chủng loại, mẫu mã; Chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý với người tiêu dùng.
“Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối cũng đưa ra rất nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt năm nay các siêu thị đẩy mạnh bán hàng online nên lượng khách mua hàng Tết thông qua loại hình dịch vụ này tăng 50% so với cùng kỳ năm trước” - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP và địa phương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương Hà Nội đã liên kết 53 tỉnh, thành phố, đưa sản phẩm OCOP vào kênh bán lẻ cũng như đưa vào 85 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP của TP Hà Nội. Qua đó giúp người tiêu dùng Thủ đô tiếp cận được đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, mua sắm giỏ quà Tết cho gia đình theo ý muốn. Đồng thời giúp TP Hà Nội cân đối được cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Quý Mão.