Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức sống của rạp chiếu phim Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lịch sử điện ảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng gắn với tên tuổi của các rạp chiếu phim như Kim Đồng, Đại Nam, Công Nhân, Tháng Tám. Qua thăng trầm lịch sử, được sự quan tâm đầu tư nâng cấp của TP, các rạp phim ngày càng khang trang, hiện đại, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô.

Rạp Tháng Tám (45 Hàng Bài)
Phố Hàng Bài (Hà Nội) dài chưa đầy 3km nhưng có nhiều rạp chiếu phim gắn với ký ức của người dân Hà Nội như rạp Đại Nam, rạp Kim Đồng và đặc biệt là rạp Tháng Tám (thuộc Công ty Điện ảnh Hà Nội). Những năm 40 của thế kỷ trước, rạp Tháng Tám (45 Hàng Bài) có tên gọi là rạp Majetstic. Trong khoảng thời gian đầu xuất hiện, rạp Majetstic chỉ dành cho các sĩ quan, công chức người Pháp và một vài gia đình người Việt giàu có mới có thể đủ khả năng xem phim tại đây mà thôi.
Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, khán giả trong nước đã nhanh chóng trở thành những khán giả quen thuộc tại rạp. Kể cả tới những năm tháng bao cấp và kéo dài đến thập niên 80 - 90, rạp Majetstic được đổi tên nhiều lần và được coi là một trong những rạp chiếu phim “sang chảnh” nhất ở Hà Nội bởi vị trí đẹp, các phòng chiếu lớn.
Cho dù ngày nay có nhiều trung tâm chiếu phim với quy mô hiện đại nhưng cái tên rạp Tháng Tám vẫn không phai mờ trong tâm trí người Hà Nội. Bà Trần Thị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Khi đi qua phố Hàng Bài, tôi rất ấn tượng với hình ảnh rạp Tháng Tám vì hầu như kiến trúc, cảnh quan vẫn giống như thời Pháp.
Có những lúc ở Hà Nội chỉ có rạp Tháng Tám chiếu phim đến nửa đêm hay từ 5 giờ sáng đã có người trực để xem phim. Hồi đó, ai đi xem phim ở Hà Nội là tự hào lắm. Ngày nay, nhiều rạp chiếu phim mới, hiện đại mở ra nhưng tôi không có được cảm xúc và tình cảm như đi xem ở rạp Tháng Tám bây giờ”.
Ngay gần rạp Tháng Tám là rạp Kim Đồng (19 Hàng Bài). Trước năm 1945, rạp có tên gọi là “Cine Minh Châu”. Những năm 80 của thế kỷ trước, rạp Kim Đồng là nơi chiếu phim dành riêng cho thiếu nhi, mỗi ngày chỉ đón 200 khách với tổng số 4 suất chiếu.
Với gần 60 năm tuổi, rạp Tháng Tám được đánh giá là lớn và lâu đời nhất, gắn bó nhiều kỷ niệm với người dân Hà Nội. Hiện nay, rạp Tháng Tám sau khi được cải tạo, nâng cấp và xây mới thêm nhiều phòng chiếu với hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, nội thất hiện đại đã dần lấy lại vị thế và trở thành một trong những rạp khá đông khách giữa lòng TP.
Tương tự với rạp Tháng Tám, sau khi được sửa chữa, nâng cấp, năm 2010, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, rạp Kim Đồng chính thức khánh thành gồm 2 tầng hầm và 6 tầng nổi với các phòng chức năng. Trong đó có 1 phòng chiếu phim 4D (40 chỗ ngồi, công nghệ tiêu chuẩn châu Âu và tiên tiến nhất ở Việt Nam) và 2 phòng chiếu 2D (475 chỗ và 150 chỗ ngồi). Đây cũng là phòng chiếu 4D đầu tiên tại Hà Nội.
Cũng là một công trình được sửa chữa trong dịp 1.000 năm Thăng Long, rạp Đại Nam sau khi được sửa chữa có 5 tầng nổi và hai tầng hầm với 400 chỗ ngồi, trở thành địa điểm lý tưởng của các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát khi thực hiện các vở lớn mà ở sân khấu 15 Nguyễn Ðình Chiểu (địa điểm cũ của Nhà hát Chèo Hà Nội) không đáp ứng được. Dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô này, Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ giới thiệu vở diễn “Long thành diễn xướng”.
Có thể thấy, sau 10 năm, các công trình rạp Kim Đồng, rạp Đại Nam, rạp Tháng Tám đã thu hút đông đảo công chúng, có nhiều đổi mới trong tổ chức các chương trình, hoạt động nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, việc TP Hà Nội xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa trên đã góp phần cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được phát triển, có thêm nhiều vở diễn đặc sắc để đêm nào các rạp cũng sáng đèn.