Không dễ dãi với nghề
Không mang vẻ đẹp mong manh như nón Huế, cũng không có màu trắng phau như nón làng Chuông, sự khác biệt của nón lá Phú Mỹ chính là ở chất lượng. Màu sắc đặc trưng của nón lá Phú Mỹ là màu trắng ngà, chắc chắn, bền đẹp, nhưng cũng không kém phần duyên dáng.
Tay thoăn thoắt khâu kim qua những lớp lá cọ, chị Lê Thị Lang, thôn Phú Mỹ cho hay, nghề này không có bất kỳ loại máy móc nào có thể làm được, mà phải làm hoàn toàn thủ công . “Sở dĩ nón lá Phú Mỹ có màu trắng ngà là bởi người làng nghề chỉ chọn loại lá cọ già, có chất lượng tốt nhất để làm nón. Nón được làm bằng lá cọ già sẽ có màu hơi ngà, đặc biệt là rất bền, đẹp” - chị Lang bật mí.
Theo người làng nghề, để có một chiếc nón hoàn chỉnh, làm hài lòng khách hàng thì người thợ làm nón phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ lựa chọn, sơ chế nguyên liệu, làm khuôn, căng dây, tạo khấc cho xương nón… Trong đó, việc sơ chế nguyên liệu tưởng chừng đơn giản nhưng không thiếu phần công phu. Để có được những chiếc lá cọ phẳng phiu, nhẵn bóng, người thợ phải dùng bàn là. Trước đây, khi chưa có các loại bàn là, người làng Phú Mỹ phải là lá trên lưỡi cày gang nung nóng, đặt dưới một búi vải dày. Lá sau khi là được cắt ra từng đoạn, đủ dài để lợp từ chóp xuống vành cái, xếp liền nhau. Mỗi chiếc nón được lợp 2 lần lá, giữa 2 lần lá còn được lót thêm một lượt mo nang cho nón thêm dày và cứng cáp. Mặt trong của nón còn được cài thêm những hình hoa, bướm chạy quanh cho chiếc nón thêm phần duyên dáng. Trung bình, mỗi thợ lành nghề có thể khâu được từ 4 – 5 chiếc nón một ngày, còn để khâu những chiếc nón kỹ thì chỉ được từ 1 – 2 chiếc/ngày.
Hiện nay, nón Phú Mỹ chủ yếu có 3 loại là nón thưa, nón nhỡ và nón mau. Sự khác nhau của những chiếc nón này có chăng là ở cách xếp lá thưa hay khít. Những chiếc nón thưa có giá chỉ hơn 10.000 đồng/chiếc, còn những chiếc nón mau có giá lên tới 200.000 – 300.000 đồng. Dù là loại nón nào, người thợ làm nón Phú Mỹ vẫn đề cao chất lượng sản phẩm và luôn tâm niệm không được dễ dãi với nghề trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có lẽ vì vậy mà sản phẩm do người làng Phú Mỹ làm ra luôn được khách hàng tin dùng, hàng làm ra đến đâu hết đến đó.
Chuyên môn hóa công việc
Không còn phải tất tưởi cho những buổi chợ sớm tinh mơ để tìm mua những chiếc lá cọ ưng ý, giờ đây người làm nón Phú Mỹ đã an nhàn, thảnh thơi hơn nhiều do làm nghề theo kiểu dây chuyền. Với việc phát triển mạnh nghề làm nón, ở Phú Mỹ đã có sự phân công lao động hợp lý, đi vào chuyên môn hóa các công đoạn. Theo đó, hộ thì trực tiếp khâu nón, hộ chuyên thu mua, lo đầu ra, có hộ lại chuyên cung cấp nguyên liệu. Sự phân công như vậy đã giúp nghề làm nón ở Phú Mỹ thuận lợi hơn, hiệu quả sản xuất vì thế cũng cao hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Quý Thuận cho rằng, tuy làm nón là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính ở địa phương. Hiện nay, không chỉ riêng làng Phú Mỹ làm nón mà nghề này đã phát triển ra cả xã Ngọc Mỹ, đem về doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Một trong những điều trăn trở nhất của làng nghề nón Phú Mỹ hiện nay chính là nguồn nhân lực. Bởi nhân lực làm nghề hiện nay chủ yếu là phụ nữ lúc nông nhàn, trẻ em sau thời gian đi học hoặc người già đã quá tuổi lao động. Trong khi lớp trẻ biết nghề nhưng đa số lại chọn con đường khác để lập nghiệp. Vì vậy, để duy trì được nghề truyền thống của làng, tới đây Phú Mỹ cần phải tăng cường tuyên truyền và mở các lớp dạy nghề, nhân cấy nghề để khuyến khích lớp trẻ gắn bó, phát triển nghề hơn nữa.