Năm 2020, vùng này đã từng xảy ra tình trạng sụt lún sạt lở tương tự, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, nhà của của người dân. Mà hậu quả đến nay vẫn chưa thể khắc phục hết.
Tình trạng sụt lún xảy ra từng ngày trên diện rộng
Như báo Kinh tế và Đô thị đã thông tin, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2024, tình trạng sạt lở, sụt lún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã bắt đầu xảy ra với diễn biến ngày càng phức tạp. Những ngày đầu tháng 3/2024 đã liên tiếp xảy ra gần 100 vị trí sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài hàng ngàn mét, gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Minh Tiếng Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, tính đến sáng nay, 07/3/2024, trên địa bàn 09 xã, thị trấn vùng ngọt đã xảy ra sạt lở, sụt lún, tổng số 128 tuyến, có 482 vị trí, với tổng chiều dài 12.590m, trong đó: đường bê tông dài 9.166m (đường bê tông 1,5m dài 5.033m, đường bê tông 2,0m dài 124m, đường bê tông 2,5m dài 86m, đường bê tông 3,0m dài 3.923m), đường đất đen dài 3.429m; ước tính thiệt hại khoảng 16.800 triệu đồng. “Chỉ riêng trong ngày 6/3/2024, đã phát sinh sụp lún mới ở 07 tuyến 22 vị trí, chiều dài 569m, trong đó có 554m đường bê tông (đường bê tông 1,5m dài 319m; đường 3,0m, dài 235m), đường đất đen dài 15m” – ông Kiều Minh Tiếng nói thêm.
Theo các cơ quan chức năng, nắng hạn nên việc bốc hơi nước diễn ra nhanh cộng với việc bơm tác nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn. Trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, độ chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, làm mất phản áp gây sụt lún; đồng thời khoảng lưu không (chiều rộng bờ sông, kênh, rạch) từ mép mặt đường đến mép kênh hẹp.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở đất, làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như: Đặc điểm địa chất yếu, lòng kênh sâu,... đã gây ra sạt lở, sụt lún.
Chủ động các giải pháp để khắc phục
Trước tình hình trên, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương đã chủ động nhiều giải pháp để khắc phục nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở, sụt lún có thể xảy ra tiếp theo.
Lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ xã, ấp, khóm đi sát đồng hành với người dân tiến hành các biện pháp giảm tải cho mặt đất, nhất là ở những tuyến đường có lòng sông khô cạn, nguy cơ sụt lún cao. Người cắt cây, tỉa cành, người làm rào chắn,… không khí diễn ra tất bật trên nhiều tuyến đường.
Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm tra tải trọng xe lắp đặt biển báo, rào chắn, giảm tải phù hợp các tuyến đường do huyện, xã quản lý,… để đảm bảo an toàn lưu thông.
Khi xảy ra sự cố cán bộ đều đến ngay hiện trường để kiểm tra; thực hiện giăng dây, làm rào chắn, biển cảnh báo hạn chế giao thông, gia cố tạm thời bằng cây gỗ địa phương các đoạn đường sạt lở, sụt lún đất nhỏ. Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trên tuyến kè, gia cố chống sạt lở, sụt lún những đoạn có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao.
Theo UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến sáng 7/3, trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt đã khắc phục kè bằng cây tạm được 55 điểm với tổng chiều dài 1.340m. Đã thực hiện cắt, tỉa cây được hơn 135 tuyến đường, cắt 1.700 cây, tỉa hơn 1250 cây (gồm cây dừa, cây bạch đàn, cây rừa và loại cây tán lớn khác ….v.v..).
Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động người dân được hơn 50 trường hợp có bãi chứa vật liệu xây dựng nặng ven sông, kênh, rạch di dời ra khỏi vị trí có nguy cơ sụt lún, sạt lở; đối với nhà ở ven sông, kênh, rạch đã gửi thông báo cảnh báo để người dân di dời tài sản, vật nặng ra khỏi khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất cao được hơn 450 trường hơp. Lắp hơn 260 biển cảnh báo, rào chắn, giăng dây, biển cảnh báo hạn chế giao thông tại các điểm bị sụp lún; thực hiện thay các bảng giảm tải trọng các tuyến đường để quản lý.
Ông Lê Chiến Lũy, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi, cho biết: “Ngay sau khi bắt đầu xuất hiện hiện tượng sụt lún, sạt lở trên địa bàn, xã đã huy động xã đội, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên xã, cán bộ dân chánh ấp và huy động nhân dân cùng thực hiện công tác khắc phục các điểm sụt lún; đồng thời ra quân cắt tỉa cây, giảm tải trọng những tuyến đường có nguy cơ sụt lún.”
“Phải làm sao đảm bảo an toàn các tuyến đường cho người dân lưu thông. Trong cái khó khăn do thiên tai này cũng cho thấy sự đồng lòng từ cán bộ đến nhân dân, có những hộ dân còn tình nguyện hỗ trợ anh em ăn uống khi làm nhiệm vụ” - ông Nguyễn Chí Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hải chia sẻ.
Nông dân phải chở lúa bằng xe 2 bánh
Tình trạng sụp lún, sạt lở làm các tuyến đường giao thông bị hư hại diễn ra tại thời điểm người dân thu hoạch lúa đông xuân. Nên đã khiến người dân phải tăng thêm chi phí khi phải thuê lực lượng xe 2 bánh vận chuyển lúa đến các điểm tập kết thu mua ở tuyến đường chính (Tắc Thủ - Rạch Ráng – Sông Đốc; Tắc Thủ - Co Xáng – Vàm Đá Bạc). Uớc tính chi phí vận chuyển mỗi tấn lúa người dân phải trả 250.000 đồng – 450.000 đồng.
Tính đến ngày 06/3, đã thu hoạch 23.460/28.954 ha, đạt 81,02% diện tích xuống giống; năng suất ước tính 6,4 tấn/ha, tổng sản lượng 150.904 tấn. Theo thống kê của các xã, thị trấn đến nay sản lượng lúa đã bán được 130.838 tấn. Giống lúa ST24, ST25, Lộc trời 28 giá bán 8.000 – 8.200 đồng/kg, tăng so cùng kỳ 600 - 800 đồng/kg; giống lúa OM5451, OM18,… giá bán 7.200 - 7.400 đồng/kg, tương đương so cùng kỳ.