Syria bước vào kỷ nguyên mới với chính quyền chuyển tiếp đa thành phần
Kinhtedothi - Bốn tháng sau khi lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, Syria chính thức bước vào giai đoạn chuyển tiếp quan trọng với việc tuyên thệ nhậm chức chính quyền mới ngày 29/3 vừa qua.
Phát biểu tại thủ đô Damascus, lãnh đạo Syria lâm thời Ahmed al-Sharaa tuyên bố chính quyền chuyển tiếp gồm 23 thành viên được kỳ vọng sẽ đại diện cho sự đa dạng của đất nước, bao gồm các nhóm thiểu số như người Kurd, Alawite, và tín đồ Thiên Chúa giáo.
Đáng chú ý, Hind Kabawat, một nhà hoạt động nữ theo đạo Thiên Chúa, trở thành lãnh đạo cơ quan quản lý các vấn đề xã hội, trong khi Raed al-Saleh, người đứng đầu tổ chức "Mũ bảo hiểm Trắng", đảm nhận vị trí điều hành xử lý các tình huống khẩn cấp.

Lãnh đạo lâm thời Ahmed al-Sharaa và đội ngũ chính quyền chuyển tiếp mới của Syria. Ảnh: Văn phòng tổng thống Syria
Sự tham gia của các nhân vật này được xem như nỗ lực của chính quyền mới nhằm thuyết phục phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế kéo dài hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, các vị trí then chốt như cơ quan quốc phòng, ngoại giao và nội vụ vẫn do những đồng minh thân cận của ông al-Sharaa nắm giữ. Việc thiếu vắng đại diện từ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo - dù hai bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn - cũng làm dấy lên lo ngại về tính bao trùm thực sự của chính quyền mới.
Theo hiến pháp mới được công bố hồi đầu tháng, lãnh đạo lâm thời Ahmed al-Sharaa sẽ nắm quyền lực lớn trong 5 năm, bao gồm khả năng bổ nhiệm thẩm phán và 1/3 thành viên quốc hội. Văn bản này bãi bỏ chức vụ thủ tướng, thay bằng tổng thư ký chính phủ - một quyết định bị chỉ trích là tập trung quyền lực quá mức.
Giới phân tích nhận định, dù hiến pháp tạm thời có những tiến bộ như tách biệt nhánh tư pháp và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nó vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ chế kiểm soát quyền lực. "Một phụ nữ duy nhất trong nội các là chưa đủ", Tiến sĩ Rim Turkmani từ Trường Kinh tế London (Anh) nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chính quyền mới phải đối mặt với hàng loạt thách thức: từ tái thiết đất nước sau 14 năm nội chiến, giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế khi 90% dân số sống dưới mức nghèo, đến xoa dịu căng thẳng sắc tộc sau vụ đụng độ đẫm máu khiến 1.000 người thiệt mạng ở các tỉnh ven biển phía tây bắc.
Thế giới sẽ tiếp tục theo dõi liệu Damascus có biến lời hứa về "một Syria mới" thành hiện thực, hay lại rơi vào vòng xoáy quyền lực cũ. Với 60% cơ sở hạ tầng bị phá hủy và hàng triệu người tị nạn, hành trình tái thiết của Syria không chỉ phụ thuộc vào thiện chí của chính quyền mới, mà còn ở sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế - thứ vẫn đang bị đặt điều kiện về cải cách dân chủ.

Hamas-Israel tiến gần hơn đến bước tiếp theo của thỏa thuận ngừng bắn
Kinhtedothi - Trong khi Israel chuẩn bị cử phái đoàn đến Doha, các đại diện của Hamas đã có mặt tại Cairo để tham gia đàm phán với các nhà trung gian Ai Cập.

Syria trong vòng xoáy hỗn loạn: bạo lực leo thang, hòa bình xa vời
Kinhtedothi - Hơn 1.000 người thiệt mạng trong bối cảnh bất ổn chính trị tại Syria liên tục leo thang.

Syria đạt bước tiến lịch sử về thống nhất lãnh thổ
Kinhtedothi - Syria mới đây đã đạt được bước tiến lịch sử về lãnh thổ, khi liên minh các lực lượng dân quân người Kurd đồng ý hợp nhất với chính quyền lâm thời ở Damascus trong một thỏa thuận mang tính bước ngoặt.