Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạ Hữu Yên và cảm xúc tháng Mười

Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ năm 1974, cứ đến dịp 10/10 hằng năm là ở Thủ đô Hà Nội – và cả nhiều địa phương khác, trên loa phóng thanh thường vang lên ngọt ngào rộn rã bài hát “Cảm xúc tháng Mười” của Nguyễn Thành, phổ thơ Tạ Hữu Yên. Nguyên văn bài thơ như sau:

Không thể nói trời không xanh hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường
Khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy
Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường.

Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thầm gọi các con
Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ
Nghe niềm vui rạo rực tâm hồn.

Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu
Anh đã hẹn ngày mai trở lại
Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi
Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca.

Một sớm Thu trong đất thắm sao vàng
Năm cửa ô xòa năm cánh rộng
Đoàn quân về nhấp nhô như sóng
Những ngôi nhà dường muốn cao thêm.

Tháng Mười - ấy là khúc ca say
Khúc ca chở những chiến công đầy
Ôi, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Nghìn năm vẫn một trái tim này.
                                            1974

Vẻ đẹp những ngày Thu tháng Mười tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Vẻ đẹp những ngày Thu tháng Mười tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nhà thơ Tạ Hữu Yên sinh năm 1927 tại thôn Đông Hội, xã Ninh An, Hoa Lư, Ninh Bình, mất năm 2013 tại Hà Nội. Ai biết ông cũng đều quý ông vì tính khiêm nhường. Ông từng nói, tôi là đại tá trong quân đội nhưng binh nhì trong làng văn, binh nhì với hết thảy mọi người. Ông rất yêu Bác Hồ, viết nhiều về Bác. Thơ ông phần lớn giản dị, trong sáng nhưng cũng có nhiều bài, nhiều câu cổ điển. Chẳng hạn khi ông viết về quê: “Mây đi xa lắm không về kịp/ Bầu trời tinh khiết đến nôn nao”. Trong các bài thơ viết về Bác, tôi rất thích bài Một mái nhà sàn:

Một mái nhà sàn - một mái thơ
Trăng treo cửa sổ thực và mơ
Vần thơ của Bác gieo đêm ấy
Cho gió xuân lên ấm đến giờ.

Ông có 158 bài thơ được phổ nhạc, hay nhất là Đôi dép Bác Hồ (Văn An, 1969), Cảm xúc tháng Mười (Nguyễn Văn Thành, 1974) và Đất nước tôi (Phạm Minh Tuấn, 1984).

Về “Cảm xúc tháng Mười”- ông kể với tôi: “Năm 1974, Đại úy Tạ Hữu Yên và Thượng úy Nguyễn Thành cùng công tác với nhau ở Phòng phát thanh binh vận thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm đó, có cuộc thi sáng tác ca khúc nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Hai chàng sĩ quan trẻ rủ nhau cùng tham gia.

Ðể lấy cảm hứng, hai ông đạp xe lên Cầu Giấy, cửa ô mà 20 năm trước Trung đoàn Thủ đô đã theo lối ấy trở về tiếp quản quê hương. Và trong bước chân trở về ấy, họ nhớ lại hình ảnh người mẹ đứng ở hàng đầu rưng rưng nước mắt, nhìn thấy nao nức cờ hoa, nghe nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường; nhớ đêm Trung đoàn Thủ đô rút qua gầm cầu vượt sông Hồng với những thương binh, với niềm đau chưa trắng nợ anh hùng khi phía sau là tiếng súng truy kích của giặc Pháp, nhớ những người trai Hà Nội mãi không về...

Quá khứ và hiện tại. Khải hoàn và bi thương. Chiến tranh và hòa bình. Người lính và người lính. Mẹ và em. Và Hà Nội - Thăng Long ngàn năm trận mạc lại thanh bình như chưa hề có bóng giặc, chưa hề nghe còi báo động trên nóc Nhà hát Lớn... Cứ đi, đi như mê, như say, bước hiện tại xen vào quá, rồi lại hồi hộp, tin tưởng bước tương lai...

Tạ Hữu Yên và cảm xúc tháng Mười - Ảnh 1

Họ đi như thế từ sáng đến chiều. Khi dừng chân trước Hồ Gươm, họ thấy một màu trời xanh bất tận trên đầu và cả dưới bóng nước Hồ Gươm. Và một Hà Nội hào hoa chưa từng gặp. Lúc này, Hiệp định Paris (tháng 1/1973) vừa được ký kết, hòa bình trở lại ở Miền Bắc, những cô gái Hà Nội lại mặc đồ sáng mầu, thiết tha những dáng Kiều thơm bên dáng liễu. Những đôi mắt ngọc biếc xanh sức sống và hy vọng.

Đây rồi! Những câu thơ đầu tiên được cất lên một cách chính xác từ trực quan sinh động “Không thể nói trời không trong hơn, Và mắt em xanh khác ngày thường”... Cảm xúc quá mạnh và tự nhiên, câu thơ cũng không cần rành rẽ, trau chuốt. Trước đây, tôi nhiều lần mắc câu “Không thể nói trời không trong hơn”, logic ngữ pháp là gì? Chỉ khi đọc câu sau và sau nhiều ngày mới diễn ra được: Không thể nói trời không trong hơn mọi ngày, mọi mùa, cũng không thể nói mắt em không xanh hơn những ngày thường khác. Đây là cái xanh của hiện thực, nhưng cũng là sự xanh lên từ trong tình yêu nước, yêu Thủ đô của tác giả.

Tứ lớn đã mở, bài thơ cuộn chảy. Ðêm đó, trên căn gác hai trong tập thể quân nhân thành Hà Nội, Tạ Hữu Yên đã làm xong trọn vẹn bài thơ, chữ gọi, chữ tuôn chảy, không phải dụng công sửa chữa. Vì đó là sự thật, là tình cảm tha thiết ấp ủ bấy nay. Cái hay của bài thơ là ở chất ngọc của tình yêu, không gợn một vết băn khoăn, bụi bặm nên có sức bay cao vút. Đây là thơ, nhạc của người viết về mình, của người yêu nước mình nên hết sức chân thành, lắng đọng, thiết tha, truyền cảm mạnh mẽ. Bài thơ và ca khúc có dấu ấn lịch sử và chất Hà Nội không thể lẫn được.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành (1931 - 2002) quê làng Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ðang là học sinh trung học trong thành, cuốn theo hùng khí của Thủ đô kháng chiến, anh đã sớm đầu quân vào Ðoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308).

Trên con đường hành quân lên Tây Bắc, ông được chứng kiến cảnh đồn bốt giặc mọc lô nhô như nấm độc, với "dây thép gai đâm nát trời chiều", thấm thêm cảnh khổ đau của đất nước bị quân thù chiếm đóng. Nhưng trên đường Tây tiến dằng dặc ấy, không chỉ có khổ đau, còn có sự hùng vĩ của "quân đi màu lá dữ oai hùm", của núi non vút ngàn trùng xa. Trên đường hành quân, cán bộ, chiến sĩ 308 còn có một vinh dự, một kỷ niệm không bao giờ quên, được Bác Hồ đến thăm và động viên. Bao nhiêu ấn tượng, bao nhiêu cảm xúc chất chứa trong lòng, giục giã người chiến sĩ trẻ phải viết một cái gì đó về mình, về cuộc hành quân và đất nước...

Một đêm, nghỉ dưới chân đèo Khau Vác, với cảm xúc trào dâng, ông đã viết Qua miền Tây Bắc trên một vỏ bao thuốc lá. Tự lẩm nhẩm hát đi hát lại, dường vẫn không ưng ý, ông vo tròn tờ giấy vứt xuống đất cạnh đống lửa đang cháy ...

Sáng dậy, trong tiếng đàn đệm của Vũ Hướng là Trần Chất đang say sưa hát “Qua miền Tây Bắc”. Nguyễn Thành lặng đi, không tin tai mình đang nghe bài hát đúng lòng mình và hay đến thế. Ôi, ngọn lửa "nhân hậu" đã không liếm mất vỏ bao thuốc lá, trừ lại cho nền âm nhạc Việt Nam một bài hát trứ danh!

Ðó là năm 1951. “Qua miền Tây Bắc” nhanh chóng được phổ biến trong sư đoàn. Sau này được cả mặt trận hát và là một nguồn sức mạnh của quân dân ta trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ cùng với “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, “Anh vẫn hành quân” của Ðỗ Nhuận.

Nguyễn Thành có mặt trong hàng quân về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Cái anh nhìn thấy và xúc động đầu tiên, chia sẻ với Tạ Hữu Yên là ấn tượng về những người mẹ rưng rưng nước mắt tìm con trong đoàn quân về tiếp quản Thủ đô “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt, Xốn xang mẹ thầm gọi các con, Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ, Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn...”.

Ðó là đêm cuối cùng tháng 9, bắt sang ngày tháng 10. Tạ Hữu Yên không thể nào ngủ được. Chưa bao giờ anh lại mong đến giờ làm việc, mong Nguyễn Thành đến thế. Nguyễn Thành nhận được bài thơ, cả ngày không nói gì. Ðêm ấy, trên gác 5 khu tập thể Thành Công, có một ngọn đèn thức khuya hơn mọi hôm, bầu trời đêm rung lên trong tiếng đàn piano thánh thót... Rồi hai tác giả cùng đàn hát với nhau trong niềm hạnh phúc, tự hào về thủ đô Hà Nội. Thắng rồi! Bài hát được gửi ngay đến ban tổ chức cuộc thi và giành giải A cùng với tác phẩm của Huy Thục, phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Kiều Hưng là nghệ sĩ đầu tiên hát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam bài Cảm xúc tháng Mười.

Giải thưởng năm đó, nhà thơ Tạ Hữu Yên nhớ lại, gồm hai mét lụa, một hộp thuốc lá Trung Quốc và sáu trăm đồng. Với thu nhập và mức sống thời bao cấp, đó là một khoản tiền không nhỏ. Nhưng phần thưởng lớn nhất đó là bài hát đã đi vào lòng công chúng.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành và nhà thơ Tạ Hữu Yên đều đã mất.

Nhưng câu thơ, nét nhạc của Cảm xúc tháng Mười vẫn xanh mãi cùng trời xanh Hà Nội.