Tác nhân mới tạo cục diện mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đại diện 50 trong số 57 nước thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã ký kết văn kiện chính thức khai sinh ngân hàng này.

AIIB không chỉ đơn thuần chỉ là một thể chế tài chính và tiền tệ mới trên thế giới, mà còn là một tác nhân mới với khả năng tác động làm thay đổi tương quan lực lượng và cục diện quan hệ quốc tế nói chung, trên lĩnh vực tài chính và tiền tệ thế giới nói riêng.
Tác nhân mới tạo cục diện mới - Ảnh 1
Trung Quốc đưa ra ý tưởng này, đóng góp tài chính nhiều nhất và cũng có trọng lực lá phiếu lớn nhất. Tiếp theo là Ấn Độ, Nga và Đức. Vai trò nổi bật của Trung Quốc và việc Mỹ cùng với Nhật Bản không tham gia càng làm nổi bật tác động chính trị của sự ra đời của AIIB. Tôn chỉ mục đích của AIIB là chi cho những dự án phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông.... ở các nước thành viên. Nhưng cũng có thể dễ dàng nhận thấy AIIB phục vụ đắc lực như thế nào cho lợi ích thiết thực trước mắt và chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Bắc Kinh chủ ý gây dựng thị trường kinh doanh mới cho ngành công nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, tập hợp lực lượng ở khu vực, châu lục và trên thế giới phục vụ cho cuộc chơi chính trị về quyền lực, ảnh hưởng và vị thế trên thế giới.

Với mức vốn ban đầu 50 tỷ USD, về sau có thể nâng lên 100 tỷ USD, AIIB ở thời điểm hiện tại và thuở ban đầu này chưa thể là đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhưng AIIB ganh đua với cả WB lẫn ADB về lĩnh vực và phạm vi hoạt động. Cho tới nay, WB bị Mỹ chi phối và ADB trong vòng ảnh hưởng cương tỏa của Nhật Bản. Cả hai ngày càng bị mất vai trò bởi các nước đang phát triển không hài lòng với cách thức hoạt động của WB và ADB, đồng thời lại có thêm được ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư và tín dụng khác dễ chấp nhận hơn, với điều kiện thuận lợi hơn trên thế giới. Với AIIB, họ có thêm một nguồn mới. Vì thế, về lâu dài, AIIB có đủ tiềm năng tài chính và triển vọng thực tế cạnh tranh kỳ phùng địch thủ với WB và ADB.

Sự ra đời của AIIB là một thành quả ngoại giao và chính trị quan trọng của Trung Quốc. Nếu hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh mẽ, AIIB sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng hiện tại trong thế giới tài chính và tiền tệ, thúc đẩy hình thành trật tự tài chính và tiền tệ mới trên thế giới. Nếu AIIB liên minh, liên kết với những thể chế tài chính và tiền tệ đã hình thành cho tới nay ở nhiều khu vực và của nhiều tổ chức hợp tác và liên kết khu vực, châu lục như ở châu Phi, Mỹ Latinh hay của Nhóm BRICS thì quá trình hình thành cục diện và trật tự mới nói trên sẽ diễn ra còn nhanh chóng hơn.