TS.BS Tống Hải, Chủ nhiệm Khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết: Gần đây, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến điều trị sau khi gặp tai biến thẩm mỹ.
Các bệnh nhân thuộc hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên là những trường hợp sử dụng dịch vụ bởi các bác sĩ tay ngang hoặc bác sĩ còn ít kinh nghiệm không tầm soát những biến chứng.
Nhóm hai là các trường hợp thực hiện tại spa, thẩm mỹ không phải là phòng khám, được thực hiện bởi các bạn nhân viên không phải là bác sỹ và nhân viên y tế. Nhóm này thường để lại những hậu quả di chứng khó có thể khắc phục.
Bác sĩ Hải nói rằng ông rất lo ngại vì một số biến chứng có thể để lại di chứng lâu dài cho bệnh nhân, gây ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Nhiều bệnh nhân đến với tâm lý hoảng loạn và lo lắng khi gặp phải tai biến. Việc phải trải qua quá trình điều trị không chỉ tốn kém mà còn làm tổn thương tâm lý của người bệnh.
Lý giải nguyên nhân xảy ra trình trạng này, vị chuyên gia này cho rằng do nhiều người không có đủ kiến thức về các phương pháp thẩm mỹ, vì thế, rủi ro và biến chứng có thể xảy ra.
"Họ thường dựa vào quảng cáo hoặc ý kiến từ bạn bè, dễ dàng bị cuốn theo các xu hướng thẩm mỹ mới mà không cân nhắc kỹ lưỡng về an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều người có tâm lý tìm kiếm dịch vụ với giá rẻ, dẫn đến việc chọn các cơ sở có giá thành thấp nhưng không đảm bảo chất lượng. Điều này có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng" - bác sĩ Hải nói.
Một số người dân lại chọn các cơ sở thẩm mỹ không đủ tiêu chuẩn hoặc không có giấy phép hoạt động. Những cơ sở này có thể không đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ, có nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan, giang mai… do những người làm không phải nhân viên y tế nên không nắm bắt quy trình vô trùng, để xảy ra lây chéo.
Bên cạnh đó, nhiều người không được tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi quyết định thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ. Việc thiếu tư vấn chuyên môn có thể dẫn đến những quyết định sai lầm.
Để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ an toàn, chuyên gia khuyến cáo người dân nên tìm đến các phòng khám, trung tâm chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ - nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại.
Mọi người cũng nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, để được tư vấn về các phương pháp, rủi ro, và giúp xác định phương pháp nào là phù hợp nhất với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của từng người.
Đồng thời, tìm hiểu về các thuốc, hoá chất, vật liệu cấy ghép khi đưa vào cơ thể có tác dụng chính là gì, tác dụng phụ không mong muốn, nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra. Chú ý đến những thành phần có thể gây phản ứng dị ứng hay gặp, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng...
"Những người có mong muốn làm đẹp, nếu muốn phẫu thuật thẩm mỹ, người trưởng thành có đầy đủ năng lực hành vi và tự chịu trách nhiệm trước những quyết định của bản thân khi phẫu thuật thẩm mĩ" - bác sĩ nói.
Những người không nên phẫu thuật thẩm mỹ là người mắc các bệnh mãn tính nan y như suy tim, suy thận, xơ gan; mắc các bệnh máu (bạch cầu tủy cấp - mãn), thiếu máu kéo dài, đái tháo đường khó kiểm soát, rối loạn đông máu (duy trì thuốc liên tục); mắc các bệnh hệ thống đang trong thời kỳ tiến triển. Chẳng hạn người bị lupus ban đỏ, xơ cứng bì... khi phẫu thuật sẽ bùng phát gây nặng nề trầm trọng các bệnh lý.
Những người không ổn định về tâm lý, rối loạn trầm cảm lo âu, tâm thần phân liệt hoặc phụ thuộc vào các chất kích thích kéo dài cũng chống chỉ định.