Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tai biến, tử vong vì dùng thuốc tiểu đường sai cách

Bài, ảnh: Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiểu đường là bệnh cần được điều chỉnh và điều trị cả đời, nhưng nhiều người lại nghe theo mách bảo, mua các loại thuốc được quảng cáo khỏi bệnh về dùng. Hậu quả là bệnh chưa khỏi đã phải nhập viện cấp cứu vì suy gan, suy thận, hôn mê do hạ đường huyết hoặc gặp tai biến tim mạch, thậm chí tử vong.

Cấp cứu vì tự ý dùng thuốc
Bà Nguyễn Thị Hồng (quận Tây Hồ, Hà Nội) bị bệnh tiểu đường đã lâu, do được điều trị đúng cách nên sức khỏe tương đối ổn định. Nhưng ngày nào cũng phải nhớ uống thuốc nên bà thấy bất tiện, chưa kể chế độ ăn uống cũng phải kiêng khem. Vì vậy, khi nghe một người bạn mách mua thuốc xách tay từ Mỹ về tiêm, bệnh sẽ khỏi hẳn, bà vội nhờ người mua thuốc. Sau vài mũi tiêm, bà phải nhập viện cấp cứu vì hạ đường huyết.
 Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư.
Còn bà Ngô Thị Minh (quận Hà Đông, Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng không nói được, liệt nhẹ nửa người, hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê do dùng sai thuốc khiến lượng đường máu tăng cao, mất nước và mất điện giải. Dù được điều trị tích cực, bà vẫn không qua khỏi.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, hôn mê kiểu này có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao ngay cả khi được cấp cứu ở những trung tâm có đầy đủ phương tiện và chuyên gia giỏi, nếu qua khỏi cũng để lại di chứng. Bệnh thường do nhiễm trùng cấp, sang chấn tinh thần hoặc thực thể. Ở trường hợp bà Minh là do dùng thuốc không đúng tạo điều kiện cho việc xuất hiện hôn mê, tăng glucose máu không nhiễm toan.

Thời gian qua, các bệnh viện liên tục tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân tiểu đường không theo chỉ định của thầy thuốc mà mua các loại thuốc viên và thuốc tiêm không chính thống trên thị trường về dùng. Những bệnh nhân này đều gặp các tai biến nặng như làm tăng đường máu, suy gan, suy thận, hôn mê…

Các chuyên gia Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, những bệnh nhân này nhập viện đều trong tình trạng nặng, họ dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thậm chí có những loại thuốc chỉ ghi tên biệt dược, không ghi tên gốc nên bác sĩ không thể biết bệnh nhân đã dùng thuốc gì. Có người tiêm loại 1.000.000 đồng/mũi/ngày, nhưng cũng không ít người lại mua cả lọ với giá chỉ 200.000 – 300.000 đồng để tiêm trong cả tháng.

Dùng insulin sai cách rất nguy hiểm

PGS.TS Tạ Văn Bình - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TƯ, Giám đốc Viện nghiên cứu rối loạn chuyển hóa và đái tháo đường cho biết, điều nguy hiểm nhất hiện nay là nhiều người cứ nghĩ khi bị ĐTĐ là phải sử dụng Insulin. Insulin được chỉ định bắt buộc cho người ĐTĐ tuyp 1, còn tuyp 2 đến giai đoạn bệnh nhất định, tùy tình trạng của người bệnh, bác sĩ mới chỉ định.
Thậm chí khi đã có chỉ định tiêm đến một giai đoạn nhất định mà không có sự thay đổi thì gây hại rất lớn… Việc sử dụng insulin được xem như một nghệ thuật trong điều trị bệnh, luôn cần có sự điều chỉnh về liều lượng, đường tiêm truyền trong những điều kiện khác nhau, phải phù hợp với từng người.
Chẳng hạn, cùng bệnh, cùng chỉ số đường huyết, nhưng nghề nghiệp khác nhau thì cách sử dụng cho các bệnh nhân cũng khác nhau. Có những người một ngày chỉ tiêm 1 hoặc 2 lần, nhưng có những người phải tiêm 3 – 4, thậm chí 8 lần. Đặc biệt, đối với người già, người trẻ, người có thai, người cho con bú, việc chỉ định tiêm insulin phải được tính toán, cân nhắc tỉ mỉ trong từng thời điểm.
Chính điều này đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, chỉ định insulin cho bệnh nhân ĐTĐ cần bác sĩ gia đình, phải hiểu được cả thói ăn, nết ngủ của bệnh nhân. Hơn nữa, insulin có nhiều dạng như: dạng tổng hợp insulin người, isulin động vật, trong mỗi ml lại có các hàm lượng khác nhau.
Nếu chỉ định không đúng, không chỉ gây kháng insulin, mà còn gây phản ứng tại chỗ tiêm hoặc toàn thân. Đặc biệt, tai biến nguy hại nhất do tiêm insulin không đúng cách là hạ đường máu, chỉ cần sau 3 phút, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân mất ý thức và rơi vào đời sống thực vật. Nếu đường máu quá cao, bệnh nhân dễ tử vong do các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, huyết áp, mạch vành…).

Vì vậy, PGS.TS Bình khuyên, người bệnh không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc chữa tiểu đường nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tránh tiền mất, tật mang, thậm chí mất mạng.

Cách dùng insulin: Trước khi dùng, cần đo mức độ đường trong máu nhiều lần và ghi lại để bác sĩ biết và có cách chỉ định phù hợp. Thường thì người bệnh cần tiêm ít nhất hai lần một ngày, có người cần đến 3 - 4 lần tiêm mới đủ để kiểm soát đường trong máu.

Khi dùng insulin nhiều quá, đường sẽ xuống quá thấp, người bệnh bị phản ứng insulin, triệu chứng là nhức đầu, tim đập nhanh, mệt mỏi, mất định hướng, đổ mồ hôi, đói bụng, đôi khi bất tỉnh, hôn mê.

PGS.TS Tạ Văn Bình - Giám đốc Viện nghiên cứu rối loạn chuyển hóa và đái tháo đường