Kết quả thực hiện sau 10 năm, kinh tế - xã hội nước ta có sự phát triển mạnh, dân số tăng 1,11 lần. GDP hiện hành tăng 2,4 lần, bình quân đầu người tăng 2,13 lần, GDP theo thời giá cố định 2010 tăng 1,73 lần. Theo đó, tiêu dùng năng lượng điện năng ngày càng tăng cao. Tổng cung năng lượng sơ cấp tăng 2,2 lần, sản lượng điện sản xuất tăng 2,48 lần. Xét trên phương diện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các chỉ tiêu cường độ năng lượng và cường độ điện năng tính theo GDP thời giá cố định 2010 cho thấy: từ 2010 – 2019, chỉ tiêu cường độ năng lượng tăng 1,27 lần; chỉ tiêu cường độ điện năng tăng 1,43 lần. Như vậy, hiệu quả sử dụng năng lượng điện năng nước ta ngày càng giảm.
Nguyên nhân chính theo ông Lê Minh Chuẩn là, về trình độ công nghệ, kỹ thuật, thiết bị và quản lý sử dụng trong các ngành, lĩnh vực sản xuất còn bất cập, hạn chế dẫn đến mức tiêu hao nhiên liệu điện năng cao. Cùng với đó là, dân số tăng, thu nhập ngày càng tăng, mức tiêu dùng năng lượng điện năng trong sinh hoạt tăng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm và chưa thực sự theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Trong các nguyên nhân nêu trên, đại biểu Lê Minh Chuẩn cho rằng, nguyên nhân quan trọng mang tính chiến lược là do tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ định hướng chung là chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ mà chưa gắn với mục tiêu cụ thể về sử dụng năng lượng hiệu quả.Để thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị Về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, ông Lê Minh Chuẩn đề nghị:Một là, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phân biệt rõ nội hàm, khái niệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả để có cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện phù hợp. Hiện nay, nội hàm của 2 khái niệm này còn hiểu chung chung, chưa tách biệt rõ ràng.Quy định trong Luật Sử dụng năng lượng và tiết kiệm, hiệu quả năm 2010 thực chất mới chỉ đề cập đến khía cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm với nghĩa là vẫn đảm bảo nhu cầu mục tiêu đặt ra nhưng với mức tiêu hao năng lượng thấp hơn. Theo đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng chỉ đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm năng lượng.Đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị Chính phủ và các bộ quy định rõ ràng 2 khái niệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả như sau: sử dụng năng lượng tiết kiệm là cùng một kết cấu đầu ra nhưng với mức tiêu hao năng lượng đầu vào ít hơn; sử dụng năng lượng hiệu quả là cùng một mức tiêu hao năng lượng đầu vào nhưng đạt được kết quả đầu ra nhiều hơn.Tuy kết quả cuối cùng của 2 trường hợp trên đều giảm mức tiêu hao năng lượng trên cùng một đơn vị đầu ra, nhưng bản chất về việc áp dụng trong thực tiễn khác nhau. Cụ thể sử dụng năng lượng tiết kiệm áp dụng trong sản xuất những tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm tiêu hao nhiên liệu, điện năng và Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu theo hướng này. Còn sử dụng năng lượng hiệu quả là áp dụng đối với đầu tư phát triển, mở rộng các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có giá trị kinh tế cao nhưng tiêu hao năng lượng ít. Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thay vì đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng chuyển sang đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng.Hai là, với nhận thức nêu trên, đi đôi với sử dụng năng lượng tiết kiệm cần tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trên cơ sở áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Cần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả theo hướng: ngành, lĩnh vực sản xuất, tiêu hao nhiều năng lượng, chỉ hạn chế mức quy mô vừa đủ để đáp ứng được nhu cầu trong nước; ngành, lĩnh vực sản xuất, tiêu hao ít năng lượng nhưng đem lại giá trị kinh tế cao thì ưu tiên phát triển theo hướng này. Trên cơ sở đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cụ thể hóa mục tiêu và đề ra nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thực hiện.
Những bài học quý giá trong quản lý điều hành đất nước
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng có 3 bài học có giá trị mà Chính phủ và chúng ta nên tổng kết. Thứ nhất là bài học về đồng thuận của nhân dân, thể hiện rõ nhất khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và chúng ta đã phản ứng kịp thời, nhân dân cả nước rất ủng hộ và tuân thủ. Ngay cả khi chuyển trạng thái sang cách ly xã hội, sau này điều chỉnh thành giãn cách xã hội thì người dân cũng đồng thuận và chấp hành.
Thứ hai là tinh thần dân tộc qua đợt bão lũ vừa qua khi hàng đoàn xe kìn kịt từ Bắc chí Nam về ủng hộ miền Trung. Đó là tinh thần dân tộc vô cùng quý giá mà khi có thiên tai, địch họa chúng ta mới phát huy được. Thứ ba là sự phản ứng kịp thời của hệ thống chính trị. Khi Covid-19 vừa mới bùng nổ không lâu thì Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã ra lời kêu gọi; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tính đến các gói hỗ trợ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 dù có bàn tán ra vào ban đầu nhưng gần như không có phản ứng từ phía nhân dân. Đặc biệt là khi lũ lụt có cứu trợ của người dân, của cộng đồng, dư luận lại dấy lên câu chuyện pháp lý thì 2 ngày sau Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sửa Nghị định 64. Đó là những bài học theo ĐB Lê Thanh Vân là “rất quý giá” và cần phải đánh giá sâu trong quản lý điều hành đất nước.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, về nhiệm vụ, giải pháp của năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, ông Lê Thanh Vân nêu 5 vấn đề Chính phủ cần lưu ý:
Thứ nhất, cần phải đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Chính phủ, Chính phủ cần tổ chức lại với một bộ máy tinh gọn cho phù hợp với biến đổi của thời cuộc. Phải điều chỉnh chức năng, hướng vào nhiệm vụ trọng tâm, đó là ban hành, kiểm soát thể chế thay vì can thiệp trực tiếp vào các quan hệ xã hội. Chính phủ phải phân bổ hợp lý, hài hòa các nguồn lực của xã hội, đặc biệt là không có sự chồng lấn giữa chi thường xuyên, đầu tư công và xã hội hóa trong cùng một nhiệm vụ. Cần phải phân biệt rõ đâu là nhiệm vụ của Trung ương, của tỉnh, huyện, xã trong đầu tư công để kiểm soát tốt quyền lực. Ngoài ra, Chính phủ phải triển khai thật mạnh mẽ, nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới trong quản lý.
Thứ hai, Chính phủ đang giao cho Bộ Nội vụ chuẩn bị xây dựng một chiến lược về thu hút, trọng dụng nhân tài. Đánh giá cao điều này, ĐB Vân cho biết, ông vừa góp ý cho Bộ Nội vụ và đề nghị tập trung nguồn lực nhân tài cho 5 lĩnh vực ưu tiên: cho nhân tài, cho lãnh đạo quản lý quốc gia; cho làm giàu trên mọi phương diện; thu hút nhân tài cho khoa học công nghệ; cho quản trị giáo dục và cho văn hóa nghệ thuật.
Thứ ba, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu. Trong đó có những tiêu chí rất đáng chú ý, đó là khả năng khởi xướng chính sách, khả năng đề ra chủ trương đặc biệt và giải pháp, khả năng trọng dụng nhân tài, lôi cuốn bộ máy, thuyết phục được quần chúng đi theo và đặc biệt là sản phẩm đầu ra đánh giá định kỳ hàng năm phải có kết quả cụ thể. Cái này doanh nghiệp đã có rồi Chính phủ nên nên tham khảo và áp dụng cho bộ máy nhà nước.
Thứ tư, Chính phủ cần nghiên cứu để ban hành một loạt chính sách ưu đãi mở đường cho một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao để có những sản phẩm khoa học công nghệ kích nổ cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp. Chỉ có công nghệ mới thay đổi diện mạo của đất nước.
Cuối cùng, Chính phủ cần rà soát lại các quan hệ xã hội đang bị điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức để chuyển hóa thành các quan hệ xã hội điều chỉnh bằng pháp luật nhằm ngăn chặn sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức xã hội, về văn hóa xã hội, văn hóa truyền thống. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy rằng, văn hóa, đạo đức xã hội cũng chính là một nguồn lực tác động đến tăng trưởng và đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc ứng xử của con người trong kinh doanh, trong sản xuất, trong giáo dục và mọi phương diện khác chính là những nguồn lực vô hình, tạo nên sức mạnh dân tộc và hình ảnh của người Việt Nam.
Những đề xuất này, theo ông Lê Thanh Vân, phải cụ thể hóa bằng các nghị quyết, đạo luật và đặc biệt là các giải pháp của Chính phủ. Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cam kết, sẵn sàng tham gia để góp ý với các cơ quan Chính phủ cụ thể hóa thành đề xuất này quy định cụ thể.