Tái cơ cấu ngân hàng vào giai đoạn tăng tốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HB chính thức sáp nhập vào BIDV, PG Bank “về chung nhà” với VietinBank..., giao dịch sáp nhập “lớn ôm bé” thời gian gần đây đang được kỳ vọng sẽ hình thành được những tổ chức tín dụng (TCTD) với quy mô và tiềm lực tài chính lớn hơn.

 Mục tiêu giảm bớt số lượng ngân hàng, đồng thời phấn đấu có từ 1 - 2 ngân hàng xứng tầm khu vực đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai quyết liệt.

“Ông lớn” vào cuộc

Cuối tháng 5, MHB đã chính thức hoàn thành sáp nhập vào BIDV. Đây được coi là giao dịch sáp nhập tiên phong của Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2 năm 2015. Theo đề án này, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một, tái cơ cấu các TCTD yếu kém (giai đoạn này đã hoàn thành); giai đoạn 2, thu hẹp số lượng TCTD, phấn đấu nâng tầm một số ngân hàng. Với thương vụ BIDV - MHB, thực tế, MHB là một ngân hàng quy mô nhỏ nhưng không yếu. Ngân hàng này hoạt động ổn định, nợ xấu được kiểm soát dưới mức 3% và có hệ thống mạng lưới rộng khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lý do mà MHB về với BIDV là để nâng cao quy mô và tiềm lực cho cả BIDV và bản thân MHB.
Giao dịch tại Chi nhánh VietinBank Hà Nội.             Ảnh:Việt Linh
Giao dịch tại Chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh:Việt Linh
“Sáp nhập MHB, BIDV sẽ được bổ sung lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, nền khách hàng, mở rộng khả năng phát triển dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ và vị thế lớn hơn. Dù cổ phiếu MHB chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng giá trị sổ sách trên một cổ phiếu của 2 ngân hàng thời điểm cuối năm 2014 là khá tương đồng nhau” - Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết. Điều này cũng giải thích cho việc vì sao tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khi sáp nhập 2 ngân hàng này là 1:1.

Sau BIDV, nhiều thương vụ “lớn ôm bé” nữa cũng sẽ được tiến hành trong thời gian tới, như PG Bank sáp nhập vào VietinBank (đang xúc tiến), và có thể SaigonBank và VietcomBank cũng sẽ “về chung nhà”...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xu hướng sáp nhập ngân hàng là tất yếu và tích cực. Ngành ngân hàng phải tái cơ cấu mạnh hơn theo hướng gọn hơn, nhanh hơn để có thể cạnh tranh với các ngân hàng ngoại. Năm 2015, mục tiêu mà NHNN đặt ra là giảm từ 5 - 7 ngân hàng.

Nâng tầm ngân hàng nội

Theo Đề án cơ cấu các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, hệ thống ngân hàng Việt Nam phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được 1 - 2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Sau sáp nhập MHB, tổng tài sản của BIDV tăng lên trên 700.000 tỷ đồng, vốn điều lệ lên trên 34.000 tỷ đồng, mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm trên cả nước với tổng số lao động gần 24.000 cán bộ, nhân viên. Tương tự, sau khi “ôm” PG Bank, VietinBank sẽ có vốn điều lệ mới hơn 40.200 tỷ đồng. “Giao dịch sáp nhập sẽ hình thành một TCTD với quy mô và tiềm lực tài chính lớn mạnh hơn trên mọi phương diện về tài sản, vốn chủ sở hữu, quy mô, hệ thống mạng lưới, hệ thống cơ sở khách hàng, giúp VietinBank nâng cao năng lực cạnh tranh, sớm trở thành ngân hàng có quy mô, chất lượng hoạt động tương đương với các ngân hàng trong khu vực” - lãnh đạo VietinBank khẳng định. Như vậy, sáp nhập là một trong các giải pháp được ngân hàng lớn lựa chọn để nâng cao tiềm lực của mình.

Tuy nhiên, mục tiêu đạt 1 - 2 ngân hàng tầm cỡ khu vực, theo các chuyên gia kinh tế là việc không hề đơn giản. Lý do là dù sáp nhập, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng lớn trong nước cũng chỉ mới đạt 1 - 2 tỷ USD, tổng tài sản đạt trên dưới 30 tỷ USD - quy mô này còn nhỏ so với các ngân hàng khác trong khu vực. “Tôi được biết, quy mô các ngân hàng hoạt động trong khu vực có tổng tài sản tối thiểu 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỷ USD” – chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đồng thời gợi ý: Nếu những “ông lớn” về chung một nhà thì sẽ nhanh chóng tạo thành những người “khổng lồ” ngang tầm khu vực.