Tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn đủng đỉnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhiều mô hình hiệu quả

Triển khai xây dựng NTM, những năm qua, hầu hết các xã đều có đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế của địa phương, được tiến hành bằng cách xây dựng mô hình và hỗ trợ nhân ra diện rộng. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chương trình xây dựng NTM, đến nay, cả nước đã có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã được 43 tỉnh, thành áp dụng. Đến nay, cả nước có khoảng 556.000ha với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo “cánh đồng mẫu lớn”, cho hiệu quả kinh tế cao.
 Chăn nuôi thỏ theo hướng công nghiệp tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây.          Ảnh: Phạm Hùng
Chăn nuôi thỏ theo hướng công nghiệp tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Trong quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã thực hiện quyết liệt dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiêu biểu là các tỉnh, TP như Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa… Từ năm 2014, đã có nhiều tỉnh, thành thực hiện việc hỗ trợ lãi suất để đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, triển khai xây dựng NTM, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngay trong nội ngành nông nghiệp, trong đó xác định 13 sản phẩm chủ lực của địa phương như bò thịt chất lượng cao, cây ăn quả, tôm… Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình nuôi tôm cho hiệu quả 5 tỷ đồng/ha, trồng cam cho thu 0,8 - 1 tỷ đồng/ha…

Tại Hà Nội, sau dồn điền đổi thửa, nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao được hình thành, bước đầu đạt kết quả tốt. Tiêu biểu là các vùng trồng hoa ở Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm, hay mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai với giá trị 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm… Đáng chú ý, trên địa bàn TP đã hình thành các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cung cấp rộng rãi cho thị trường.

Nhiệm vụ quan trọng

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để giúp nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế, khi triển khai xây dựng NTM, nhiều địa phương mới chỉ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng mà thiếu sự quan tâm đúng mức cho nội dung này. Bởi vậy, đến thời điểm hiện nay mới có 56,5% số xã trên cả nước đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và 53,4% số xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Bộ NN&PTNT, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của DN, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong quá trình triển khai, thực hiện phương châm “Mỗi làng một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đem lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống cho người dân. Theo Chủ tịch Quốc hội, một nền nông nghiệp phải có công nghệ cao, năng suất cao, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, thương hiệu tốt mới đủ sức cạnh tranh. “Hiện nay, nước đã đến chân nhưng chúng ta còn đủng đỉnh quá, mấy chục năm mới xây dựng được thương hiệu gạo. Nếu không bật nhanh là nhiều sản phẩm nông nghiệp của chúng ta sẽ thua trên sân nhà” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.