Tìm hiểu được biết, Cụm Công nghiệp La Phù được phê duyệt quy hoạch tại các Quyết định số 1321/QĐ – UB ngày 17/12/2001 của UBND huyện Hoài Đức duyệt quy hoạch cụm công nghiệp chùa Tổng xã La Phù; Quyết định số 3193/QĐ –UB ngày 26/6/2006 của UBND huyện Hoài Đức về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch điểm Công nghiệp làng nghề La Phù với tổng diện tích quy hoạch là 114,969m2.
Đến năm 2017, theo báo cáo tại Tờ Trình số 74/TTr –UBND của UBND huyện Hoài Đức cho thấy: Thời điểm này, về hiện trạng sử dụng đất tại cụm Công nghiệp La Phù đã thu hút lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp với 312 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp.
Cụm Công nghiệp La Phù thành lập với mục tiêu: Theo phân khu S3, S3, GS được UBND TP Hà Nội phê duyệt có chức năng là đất ở mới, đất hỗn hợp, cây xanh. Trong quá trình chưa triển khai thực hiện quy hoạch, việc thành lập cụm công nghiệp nhằm đảm bảo công tác quản lý hoạt động daonh nghiệp, tạo điều kiện nâng cấp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; duy trì các dịch vụ công ích đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Đồng thời, đáp ứng nhu cầu thuê đất làm mặt bằng mở rộng sản xuất kinh doanh của các hộ, các doanh nghiệp địa phương tại xã La Phù là chủ yếu đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh; phát triển sản xuất công nghiệp sạch, có nhiều việc làm thu hút nhiều lao động. Phát triển sản xuất phải đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Theo lãnh đạo UBND xã La Phù, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều nhà xưởng, công trình xây dựng vi phạm đã bị xử lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư vi phạm vẫn cố tình tái phạm, công tác quản lý, xử lý gặp nhiều khó khăn... |
Thu hút đầu tư các hộ sản xuất kinh doanh tại địa phương có nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất, đưa cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư có quy mô sản xuất nhỏ. Phù hợp với nhu cầu sản xuất và kinh doanh của làng nghề, làm động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng.
Xét đề nghị của UBND huyện Hoài Đức và Sở Công thương, ngày 20/7/2017, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Quyết định số 4757/QĐ-UBND thành lập Cụm Công nghiệp La Phù. Cụm Công nghiệp La Phù có địa điểm tại xã La Phù, huyện Hoài Đức. Cụm công nghiệp có quy mô 11,49 ha, phía Tây giáp cánh đồng xã La Phù; Phía Đông và phía Nam giáp cánh đồng xã La Phù; Phía Bắc giáp khu dân cư.
Về thời gian hoạt động, tại Quyết định nêu rõ: Cụm Công nghiệp La Phù thuộc Danh mục các Cụm công nghiệp được giữ nguyên hiện trạng, hạn chế phát triển, lâu dài thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt.
Đến nay, tại Cụm Công nghiệp La Phù trải qua gần 20 năm, các công trình xưởng xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, an toàn về phòng cháy chữa cháy. Từ đó, kéo theo là những hệ luỵ, tình trạng sửa chữa, xây dựng nhà xưởng trên diện tích đất thuộc Cụm Công nghiệp La Phù diễn ra. Trong khi đó, công tác quản lý, xử lý vi phạm của các cấp chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập.
Về công tác quản lý, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại Cụm Công nghiệp La Phù, ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: “Với trách nhiệm và thẩm quyền của xã, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Thực tế, lực lượng quản lý về trật tự xây dựng, đô thị mỏng. Mặc dù cán bộ địa chính xã luôn có sự phối hợp thanh tra xây dựng nhưng một cán bộ phải phụ trách từ 1 - 2 xã, thì việc kiểm tra các địa bàn đã là vấn đề khá nan giải…”
Cũng theo vị lãnh đạo UBND xã La Phù, ngoài ra, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhu cầu mở rộng sản xuất ngày càng lớn. Do đó, việc các nhà xưởng công trình được xây dựng kéo theo. “Qua nhiều năm, để xử lý dứt điểm đối với những vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ đầu năm đến nay, lực lượng của UBND xã đã xử lý hàng chục nhà xưởng vi phạm. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thường lợi dụng ngày nghỉ lễ, ban đêm để xây dựng nhà xưởng. Về trách nhiệm quản lý, chính quyền đã chỉ đạo các lực lượng, dùng nhiều biện pháp; thậm chí đưa máy ủi, xúc… phá dỡ. Thế nhưng, sau đó người dân lại lén lút xây lại. Có trường hợp phá dỡ nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm… ” – Ông Khoa giãi bày.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã La Phù , theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP, sau khi xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng; Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.Việc tháo dỡ những công trình xây dựng không có giấy phép trên là biện pháp mạnh nhất và cuối cùng. Khi buộc phải tháo dỡ, cấp trên sẽ ra quyết định tháo dỡ và UBND xã là đơn vị tổ chức thực hiện.
Trên thực tế, để tháo dỡ, cưỡng chế một công trình vi phạm phải tuân thủ theo quy trình, đầy đủ biên bản, hồ sơ, tài liệu… mới ra được quyết định. Tuy vậy, một số hộ vi phạm còn chống đối, khi nhận được thông báo cưỡng chế còn dùng nhiều phương thức, đe doạ, chửi bới lãnh đạo xã… Rồi cả trường hợp, chủ đầu tư vi phạm còn cố tình gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo với mục đích trì hoãn việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Từ đó, công tác xử lý vi phạm lại càng gặp khó khăn(!?)...