Các vấn đề thời sự toàn cầu như biến đổi khí hậu, viễn cảnh tài chính thế giới, tái định hình ASEAN... đã được các đại biểu bàn bạc, thảo luận kỹ.
Trong phiên họp "Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á" hôm 24/1, các đại biểu đã thảo luận về một loạt vấn đề như: Cách thức để hợp tác khu vực ASEAN đáp ứng sự mong đợi về chính trị - kinh tế; Nhân tố quan trọng nào giúp cộng đồng ASEAN phát triển bền vững... Theo ông Soe Thane, thành viên Liên minh Chính phủ, Văn phòng Tổng thống Myanmar cho rằng, cải cách tổ chức khu vực ASEAN là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp với xu thế kinh tế thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng từ sự phát triển nhanh chóng của khu vực Đông Á. Trong khi đó, ngài Anthony F. Fernandes - CEO hãng hàng không AirAsia nhận định, với mức tiêu dùng tăng lên, nguồn dân số trẻ dồi dào… ASEAN nói chung, và khu vực Đông Á nói riêng sẽ là vùng kinh tế phát triển bứt phá nhất từ nay cho đến năm 2020.
Đặc biệt, phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nêu rõ, để tái định hình thành công, ASEAN cần thực hiện 3 vấn đề sau. Thứ nhất, để đóng vai trò là hạt nhân của liên kết và kết nối khu vực, các nước ASEAN cần có nội lực mạnh, nhất là về kinh tế, có khả năng thích ứng với những biến động của môi trường bên ngoài. Thứ hai, song song với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước cần xác định lộ trình liên kết và kết nối phù hợp sau năm 2015 trên cơ sở các kết quả đã đạt được, phù hợp với bản chất và trình độ phát triển của ASEAN. Thứ ba, cùng với các đối tác bảo đảm môi trường thuận lợi cho triển khai và hoàn thành các mục tiêu liên kết và hội nhập, ASEAN cần giữ vững đoàn kết, nâng cao trách nhiệm chung và phát huy vai trò trung tâm trong xử lý các vấn đề chiến lược, nhất là liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, ASEAN phải tiếp tục là lực lượng chủ đạo trong ứng phó với các thách thức đặt ra, kể cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không chỉ tác động trực tiếp tới các nước có liên quan mà còn có ảnh hưởng tới bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không của khu vực. Việt Nam cùng với các nước ASEAN ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); triển khai đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử COC nhằm bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông và khu vực. ASEAN và Trung Quốc cần sớm tiến hành thương lượng thực chất về COC sau tham vấn chính thức lần đầu tiên ở cấp SOM tháng 9/2013.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Schneider Ammann. Ảnh: AFP
|