Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái hiện nghi lễ cổ truyền dịp Tết Giáp Thìn 2024

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô đã tái hiện các nghi lễ truyền thống. Ngoài ý nghĩa về tín ngưỡng, các đơn vị tổ chức mong muốn mang tinh túy văn hóa Hà Nội đến gần hơn với Nhân dân, du khách.

Lễ rước diều cổ 300 tuổi

Trong khuôn khổ chương trình “Happy Tết 2024 - Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống” vừa diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, nghi lễ rước diều cổ hơn 300 tuổi từ thời Lê được tái hiện. Đoàn rước được tổ chức bài bản với sự tham gia của đội múa lân và các CLB diều trên cả nước, di chuyển từ điện Kính Thiên ra sân khấu chính. Thành viên tham gia rước diều đều mặc trang phục truyền thống.

Nghi lễ rước diều cổ hơn 300 tuổi được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh An.
Nghi lễ rước diều cổ hơn 300 tuổi được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh An.

Trước đó, chiếc diều cổ này được bảo tồn tại đền Song An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Diều có chiều dài 1 mét , được làm hoàn toàn bằng tre, giấy, sáo và dây diều cũng được làm bằng tre. Theo lịch sử, từ thời vua Lê đã có lễ hội sáo đền (lễ hội thả diều đền Song An ở Thái Bình) diễn ra vào đầu Xuân năm mới. Trong những ngày Tết cổ truyền, vua cho quân lính được thả diều để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngày nay, lễ hội vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy tại Song An nhằm tưởng nhớ những vị tướng thời Lê, trở thành nét đẹp truyền thống của xã Song An. Năm 2019, Bộ VHTT&DL công nhận Tục chơi sáo diều trong lễ hội Sáo Đền ở xã Song An, huyện Vũ Thư là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam Hoàng Văn Điệp cho biết, lễ rước diều được thực hiện nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi và cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. "Đoàn rước của chúng tôi đến từ nhiều câu lạc bộ và gồm 3 niên đại diều cách nhau hàng trăm năm tuổi. Thông qua lễ rước, chúng tôi muốn gửi đến mọi người hình ảnh đẹp của những cánh diều, sáo và thú chơi diều xưa” – ông Hoàng Văn Điệp chia sẻ.

Không gian giới thiệu văn hóa diều Việt Nam giới thiệu đến khách tham quan 200 con diều các loại, đến từ nhiều câu lạc bộ (CLB) diều khác nhau trên cả nước như: CLB diều Sáo Đền (Thái Bình), CLB diều Cung đình Huế, CLB diều Thăng Long, CLB diều An Khánh, CLB diều Thăng Long, CLB diều bãi đá sông Hồng của Hà Nội.

Lễ dựng cây Nêu, lễ cáo yết Thành Hoàng

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình “Tết Việt - Tết phố 2024”. Điểm nhấn trong chương trình, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như Đoàn rước dâng lễ cửa Đình, lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, lễ dựng cây Nêu…

Lễ dựng cây Nêu trong chương trình ''Tết Việt - Tết phố 2024''. Ảnh: Minh An.
Lễ dựng cây Nêu trong chương trình ''Tết Việt - Tết phố 2024''. Ảnh: Minh An.

Đoàn rước dâng lễ cửa Đình xuất phát từ Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, đi qua các phố Đào Duy Từ - Ô Quan Chưởng - Hàng Chiếu - Hàng Giầy - đền Bạch Mã - Hàng Buồm - Tạ Hiện - rạp Chuông Vàng - Hàng Bạc - đình Kim Ngân. Tham gia đoàn rước là hơn 300 người, trong đó có tới 200 người bê lễ, đa phần là thanh thiếu niên. Đoàn chia làm nhiều khối: Khối sinh tiền, khối làm lễ, khối dâng lễ, khối các địa phương (nghệ thuật Huế, hát Xoan Phú Thọ, hát Then Thái Nguyên...) và cộng đồng.

Những người tham gia đoàn rước đều mặc trang phục áo dài truyền thống ngũ thân, trong đó, người làm lễ mặc áo tấc (áo tay rộng), những người còn lại mặc áo tay chẽn. Lễ vật là những vật phẩm truyền thống của Hà Nội như bánh cốm, chè sen, bánh chưng, mứt Tết.

Lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề thực hiện trang nghiêm cầu mong đến thần linh, đặc biệt là Thành Hoàng và Tổ nghề đình Kim Ngân những điều tốt đẹp cho năm mới. Lễ dựng cây nêu được thực hiện sau khi hoàn tất các nghi lễ khác và thực hiện trong sự vui mừng, phấn khích của những người tham dự.

Cây tre dùng để làm cây nêu được lấy từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội), các đồ làm nêu như các con cá được đặt tại làng mộc Áng Phao (huyện Thanh Oai), sơn các con cá do thợ sơn làng sơn mài Bối Khê (huyện Phú Xuyên) thực hiện. Cây nêu được dựng với ý nghĩa giữ đất, không cho ma quỷ xâm chiếm đất, nhưng nó có ý nghĩa lớn lao hơn là báo hiệu mùa Xuân mới đã về.

Các địa chỉ văn hóa khác trong khu phố cổ như Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, số 22 phố Hàng Buồm; Đình Đồng Lạc, số 38 Hàng Đào; Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ, số 28 Hàng Buồm… cũng trở thành những địa chỉ giới thiệu về văn hóa Việt, thú chơi hoa, về các phong tục ngày Tết.

Từ 25/1 đến 9/2 (tức ngày 15 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão), tại không gian bích họa Phùng Hưng, các nghệ nhân và thợ thủ công sẽ giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống, như tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he… Các hoạt động sẽ bắt đầu từ sáng 28/1 và kết thúc sau dịp Tết Nguyên đán. Nhiều hoạt động được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu của Nhân dân và du khách.

Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết, Ban tổ chức cố gắng giới thiệu những đặc trưng Tết cổ truyền của người Hà Nội khác với các vùng miền khác. Người dân và du khách sẽ cảm nhận được sự tinh tế, hào hoa, thanh lịch trong nếp sinh hoạt văn hóa, trong phong tục đón Tết cổ truyền. Đặc biệt, nhiều hoạt động trong chương trình “Tết Việt -Tết Phố 2024” sẽ hướng về giới trẻ để các bạn hiểu hơn về các giá trị văn hóa truyền thống và góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị di sản đó.