Ngày 22/9, lễ khai mạc chương trình sẽ diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong chuỗi hoạt động, BTC sẽ tái hiện không gian Tết Trung thu truyền thống tại các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội (thời gian mở cửa các ngày trong tuần từ 8 giờ - 17 giờ; thời gian mở cửa các ngày cuối tuần từ 8 giờ - 22 giờ).
Trong chỗi các hoạt động, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm), BQL Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước giới thiệu bộ ảnh và tư liệu chủ đề “Trở về Trung thu xưa”, trưng bày gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh. Qua đó, công chúng có thể tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung thu chốn Hoàng cung, không khí rộn ràng tiếng trống, rực rỡ đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ… của Tết Trung thu trên phố phường Hà Nội xưa. Giới thiệu không gian sắp đặt vui Tết Trung thu cho trẻ em qua các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống.
Trong dịp này, Ngôi Nhà Di sản (87 phố Mã Mây) cũng tái hiện không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm) có biểu diễn Rối cạn Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội) vào lúc 20 giờ ngày 28/9. Tại Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) có không gian sắp đặt Tết Trung thu; giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống xưa và nay.
Tại không gian phố bích họa Phùng Hưng, BQL Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức không gian tương tác với đa dạng các hoạt động như: Từ 22 – 29/9, phối hợp với nghệ nhân, thợ thủ công của các làng nghề lân cận Hà Nội tham gia trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu (Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi, tò he…); Không gian tương tác, hướng dẫn các trò chơi dân gian: ô ăn quan, cướp cờ, đánh truyền, kéo co, bịt mắt bắt dê, cà kheo, múa sạp, nhảy bao bố, nhảy lò cò.