Tài khoản chứng khoán mở mới tháng 7/2022 giảm mạnh

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường biến động, số tài khoản chứng khoán mở mới giảm mạnh trong tháng 7. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm, số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới vẫn vượt xa con số cả năm 2021.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 199.128 tài khoản chứng khoán trong tháng 7, giảm 57% so với tháng trước. Đây là lần thứ 2 số tài khoản mở mới trong nước xuống dưới 200.000 đơn vị, lần gần nhất là vào tháng 2/2022 - thời điểm trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nòng cốt khi mở mới 198.988 tài khoản bên cạnh 140 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. Mặt khác, trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước còn đóng 3.279 tài khoản.

Tính đến cuối kỳ, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 6,3 triệu tài khoản. Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 2 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).

Về diễn biến thị trường chứng khoán, kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, VN- Index giảm 20%. Theo SSI, mặc dù mức giảm tương đương với nhiều thị trường khác, chỉ số VN30 có mức giảm thấp hơn ở mức 18,7% trong nửa đầu năm, cho thấy nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ đã trải qua một đợt điều chỉnh sâu hơn (lên đến 50% - 70% ở một số cổ phiếu).

Điểm sáng là tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện lên 8,4% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn mức 5% - 6% vào năm 2021 - nhưng thấp hơn nhiều so với mức 15% trước Covid-19 (năm 2019) do các nhà đầu tư cá nhân giao dịch kém sôi động. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trong 6 tháng đầu năm 2022 xấp xỉ mức trung bình của năm 2021.

Vào cuối tháng 7, thanh khoản thị trường chỉ ở mức 1/3 so với mức đỉnh được thiết lập vào cuối năm 2021. Nhà đầu tư trong nước sẽ tiếp tục phải lo lắng về các rủi ro bên ngoài, bao gồm lạm phát tại Mỹ, Fed tăng lãi suất và suy thoái toàn cầu. Tất cả rủi ro này có thể dẫn đến những khả năng về kim ngạch xuất khẩu giảm sút, từ đó gây áp lực lên VND, nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát cao.

Trong khi số liệu kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao (trên mức nền thấp của năm 2021), thì diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể có nhiều khó khăn hơn. Trong nửa đầu năm 2023, nhiều khả năng chỉ số CPI bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại. Áp lực tăng giá đối với nhiều nhóm hàng hóa/dịch vụ vốn thuộc nhóm Nhà nước quản lý về giá (như điện, nước, giáo dục, y tế…) là khó có thể tránh khỏi. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện tại đang là kiểm soát lạm phát, sau đó là tăng trưởng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần