Tài liệu "động trời" vụ trùm MB24 lãnh án tù vẫn làm "sếp" công ty đa cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cấp phép cho bị can Vũ Ngọc Thuyển, cầm đầu đường dây lừa đảo MB24 đã bị lãnh án tù làm lãnh đạo Công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng Việt Nam, một tài liệu mới đã được phát lộ.

Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, liên quan tới vụ MB24, Thuyển đã bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 4 năm tù nhưng hiện vẫn tại ngoại tham gia lãnh đạo Công ty đa cấp Liên Minh tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, thông tin Công ty này được thành lập theo Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, đăng ký lần đầu ngày 21/6/2013 do Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cấp, thời điểm này, Vũ Ngọc Thuyển vừa bị khởi tố tội lừa đảo vẫn tham gia lãnh đạo công ty này khiến công luận bức xúc.

Được biết, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cũng là nạn nhân khi cấp phép kinh doanh đa cấp cho công ty này.
Với tấm giấy thông hành này, Vũ Ngọc Thuyển đã trở thành thành viên sáng lập Công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng, giữ các vai trò Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT điều hành "người khổng lồ đa cấp" suốt thời gian bị khởi tố, truy tố và xét xử nhận án 4 năm tù.
Với giấy tờ này, Vũ Ngọc Thuyển đã trở thành thành viên sáng lập Công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng
Giấy phép kinh doanh đa cấp của Công ty Liên minh tiêu dùng ra đời với những thủ đoạn tinh vi "qua mặt" Sở Công thương tỉnh Bắc Giang.
Giấy phép kinh doanh đa cấp của Công ty Liên minh tiêu dùng
Trước đó, ngày 2/3/2013, Cơ quan CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Ngọc Thuyển (SN 1976), trú tại Lạng Giang - Bắc Giang về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Thế nhưng, theo hồ sơ lưu giữ về các thủ tục cấp phép kinh doanh đa cấp cho Công ty Liên minh tiêu dùng, Vũ Ngọc Thuyển có tên với vai trò 1 trong 3 thành viên sáng lập công ty.

Vì sao lại có nghịch lý này? Đó là, tại đơn xin xác nhận dân sự của Vũ Ngọc Thuyển tại xã Quý Sơn - Lục Ngạn (Bắc Giang), bị can này ghi rõ: “Tôi làm đơn này đề nghị Công an xã Quý Sơn xác nhận cho tôi là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trong thời gian sinh sống tại địa phương, tôi chưa có tiền án, tiền sự để tôi bổ sung vào hộ sơ”. Tấm đơn này được ông trưởng công an xã Trương Hồng Tư ký, đóng dấu vào ngày 4/6/2013 (3 tháng sau ngày Thuyển bị khởi tố). Với giấy tờ này, Thuyển trở thành cổ đông sáng lập Công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng Việt Nam.

Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: Trong thời gian thi hành án, bị cáo Vũ Ngọc Thuyển không được phép tham gia quản lý DN nhưng vẫn xuất hiện với ư cách Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam là điều bất thường. Dựa theo những quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp, hành vi của bị cáo Thuyền là vi phạm pháp luật.

Trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực thi hành để đối tượng chuyển sang hình phạt tù theo luật thi hành án hình sự đáng lý đối tượng phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên trường hợp này đối tượng đã rời khỏi nơi cư trú để trở thành lãnh đạo trong hệ thống quản trị của DN có thể coi là "lỗ hổng" của pháp luật, thể hiện sự bất thường trong quá trình xét xử, quản lý đối tượng phạm tội của của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang, luật sư Thu nhận định.

Qua đó có thể thấy việc quản lý bị can, bị cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng Bắc Giang có vấn đề, nếu thực hiện tốt, bị cáo Thuyển rất khó ra Hà Nội đề điều hành công ty khác, luật sư Thu nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, luật sư Thu cho rằng Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rất rõ về biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Dựa trên các quy phạm pháp luật thì để có mặt tại Hà Nội, bị cáo Thuyển có được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú không? Cũng như có giấy thông hành, giấy phép của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang hay không?, vị luật sư đặt câu hỏi.

Nếu như có thì điều kiện áp dụng với bị cáo Thuyển là thế nào? Việc đi khỏi nơi cư trú là Bắc Giang để lên Hà Nội tham gia kinh doanh đa cấp liệu có phải là lý do chính đáng không? Trong trường hợp bị cáo Thuyển bị áp dụng biện pháp ngăn chặn ở trên mà vẫn rời khỏi nơi cư chú thì cần phải xử lý trách nghiệm đối với chính quyền nơi bị cáo cư trú cũng như cơ quan tố tụng đã ra quyết định này thế nào? luật sư Thu nêu ra hàng loạt các thắc mắc khác.

Nhận định trường hợp của bị cáo Thuyển đã thể hiện một số "lỗ hổng" của pháp luật, luật sư Thu cho rằng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay để làm rõ.

Về trường hợp của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, theo luật sư Thu, đơn vị này đã vi phạm pháp luật ngay trong hoạt động thành lập và quản lý DN theo quy định, tiêu biểu là việc Vũ Ngọc Thuyển mặc dù đã bị tuyên phạt 4 năm tù, nhưng vẫn có chân trong Hội đồng quản trị.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần