Xuất phát từ thực tế đó quận Ba Đình đã tái thiết, cải tạo hồ Ngọc Khánh thành không gian công cộng có kiến trúc cảnh quan hài hòa với thiên nhiên phục vụ cộng đồng.
Đòi hỏi tất yếu
Hiện nay, TP Hà Nội có hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển là sự bê tông hóa ngày càng nhiều dẫn đến việc gia tăng nhiệt độ tại khu vực trung tâm TP so với các huyện ngoại thành, hay các địa phương lân cận. Để phần nào lấy lại sự cân bằng tại nhiều nước trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ không gian công cộng và luôn coi không gian công cộng là một phần quan trọng trong đô thị. Bởi không gian công cộng đem lại nhiều lợi ích cả về vật chất và phi vật chất, là một phần không thể thiếu của đô thị phát triển bền vững.
Trong khi đó, không gian công cộng trong hệ thống đô thị nước ta một thời gian dài ít được quan tâm, đầu tư chăm sóc, thậm chí ở nhiều nơi diện tích dành cho không gian công cộng thường bị lấn chiếm, sử dụng chưa đúng mục đích... Quan trọng hơn việc thiếu vắng các không gian công cộng, không gian mở sẽ kéo theo những hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, lối sống và văn hóa xã hội.
Do đó, việc phát triển, mở rộng không gian công cộng với công viên, cây xanh, thảm xanh thực vật, hồ nước có tác dụng như “lá phổi” của đô thị, góp phần điều hòa khí hậu, làm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người do kiến trúc (hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng bê tông, đảo nhiệt), do thời tiết (mưa, nắng thất thường gây úng ngập), do ô nhiễm môi trường không khí (bụi mịn, khí thải, chất độc hại) từ các hoạt động xây dựng, sản xuất, giao thông, sinh hoạt hàng ngày…
Đặc biệt thảm thực vật trong không gian công cộng, công viên có thể khắc phục sự mất cân bằng này, bằng cách làm mát không khí và lọc các chất ô nhiễm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mảng xanh giúp giảm nhiệt độ lên đến 70C khi có đủ mật độ che phủ. Các không gian mở còn giúp tăng cường đa dạng sinh học, tạo ra những hệ sinh thái tự nhiên trong lòng đô thị, điều đang được rất nhiều người dân quan tâm và mong muốn.
Anh Nguyễn Hoàng Anh, sống tại khu vực Cầu Giấy chia sẻ: Những giá trị của không gian công cộng mang tính lâu dài và định hướng nếp sống, cũng như tác động tích cực đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Bởi thực tế áp lực cuộc sống cùng với sự phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ đang dẫn đến lối sống thụ động cùng với nguy cơ về nhiều căn bệnh như béo phì, rối loạn lo âu… Không gian công cộng có thể giúp cải thiện cả thể chất và tinh thần của dân cư, bằng cách khuyến khích sự tương tác, chơi thể thao, hay đơn giản là giải phóng tâm trí vào những khoảng không thiên nhiên. Với thói quen đi bộ ở các khu vực có nhiều mảng xanh, chúng ta có thể giảm nguy cơ đau tim, béo phì, và nhiều căn bệnh khác.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch đô thị, PGS.TS.KTS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khẳng định, để tạo nên một kỳ tích, sự thay đổi căn bản về cảnh quan không gian đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, nâng cao chất lượng môi trường, tạo lập các không gian tái tạo sức lao động cho người dân Thủ đô Hà Nội thì không có gì khác là phải có định hướng phát triển, cải tạo và tái thiết các không gian xanh, không gian công cộng, công viên, vườn hoa đô thị trung tâm, đặc biệt là các khu vực phát triển dày đặc, khu vực làng xóm đô thị hóa.
Hướng tới cộng đồng
Là địa bàn nằm trong lõi nội đô, khu vực đông đúc dân cư, quận Ba Đình cũng đang rất thiếu không gian xanh, không gian công cộng phục vụ người dân. Với quyết tâm tạo thêm không gian quý giá cho người dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, được sự chấp thuận của Thành ủy, HĐND, UBND TP, UBND quận Ba Đình đã quyết định đầu tư nâng cấp cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận.
Đây là dự án cải tạo mang tính tổng thể đối với toàn bộ cảnh quan trong khu vực, xây dựng tuyến phố đi bộ gắn với các dịch vụ phục vụ người dân nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh doanh dịch vụ trong khu vực phát triển; tạo cảnh quan đẹp, văn minh cho người dân đi bộ, vui chơi… làm tăng chất lượng cuộc sống. Đặc biệt với những hạng mục công trình tái hiện lại một phần di tích lịch sử “Giảng Võ Trường” để người dân có thể biết, hiểu và tự hào hơn về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong đó, việc tái thiết cải tạo tập trung vào trồng mới hàng loạt cây xanh bảo đảm mật độ 5m/cây, bó bồn cây bằng đá tự nhiên, xây dựng ghế ngồi bằng nhựa giả gỗ ngoài trời bằng đá tự nhiên, bổ sung dải cây xanh, vật trang trí kiến trúc; lắp đặt trang thiết bị đô thị như ghế ngồi, thùng rác, nhà vệ sinh công cộng; lát hè đá Granite tự nhiên; lắp đặt đèn chiếu sáng đường dạo, cổng chào phố đi bộ...
Đặc biệt, sau khi chính thức đi vào sử dụng từ ngày 10/10, thời gian tới quận Ba Đình sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất với UBND TP cải tạo hệ thống kè, cải tạo môi trường nước hồ Ngọc Khánh, cũng như tiếp tục xem xét đầu tư mở rộng sang các ngõ nhỏ - nét đặc trưng của Hà Nội để tăng tính hấp dẫn, đặc trưng. Song song với đó tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ và duy trì vệ sinh môi trường.
Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh Viên Hải Tuệ cho hay, trong những năm qua, hồ Ngọc Khánh và tuyến phố ven hồ đã được các cấp thường xuyên quan tâm tu tạo đặc biệt là nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bố trí cây xanh giúp cho hạ tầng giao thông, trật tự văn minh đô thị và cảnh quan môi trường xung quanh hồ ngày càng đẹp hơn.
Vừa qua sau một thời gian thi công tái thiết, cải tạo, công trình nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị hồ Ngọc Khánh đã hoàn thành đúng tiến độ. Đây là dấu ấn quan trọng thúc đẩy, tạo điều kiện cho kinh doanh dịch vụ trong khu vực phát triển, tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và không gian vui chơi, giáo dục truyền thống, tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe cho Nhân dân trong khu vực và du khách thập phương.
Còn đại đa số người dân sống tại phường Kim Mã, quận Ba Đình khi được hỏi đều phấn khởi chia sẻ, việc các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư tái thiết, nâng cấp, cải tạo lại khuôn viên xung quanh hồ Ngọc Khánh là rất hợp lý, nhất là phần cải tạo không gian dành cho người đi bộ. Tại đây đã có rất nhiều hạng mục cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ được bổ sung, thêm đó là phần mái che kính để tránh mưa là rất tiện lợi cho người dân nghỉ ngơi, thư giãn.
Vì thế ngay sau khi có chủ trương về tái thiết, cải tạo lại khu vực này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân địa phương. Đặc biệt, có thể khẳng định sau khi dự án hoàn thành đã có chuyển biến rõ nét về bộ mặt mỹ quan đô thị, mang lại diện mạo mới cho hồ Ngọc Khánh, cũng như tạo thêm không gian công cộng, không gian xanh, sạch, thoáng đãng cho người dân nơi đây.
Để khu vực hồ Ngọc Khánh trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút, cũng như thực sự là nơi đến thư giãn, nghỉ ngơi, tận hưởng các dịch vụ của người dân khi ghé thăm Ba Đình cũng như Thủ đô Hà Nội, chính quyền địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ dân gian truyền thống đặc sắc phục vụ du khách.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến