Taliban yêu cầu LHQ thừa nhận tư cách pháp lý đại diện Afghanistan

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng quốc tế đang lên án mạnh mẽ sự cai trị tàn bạo của Taliban tại Afghanistan.

Taliban đã từ chối tham dự một hội nghị do Liên Hợp Quốc tài trợ tại Qatar, kiên quyết yêu cầu tổ chức liên chính phủ này và các quốc gia phải công nhận tính hợp pháp với tư cách là đại diện duy nhất của Afghanistan.

Theo hãng tin AP, Taliban muốn loại bỏ các đại diện đến từ Afghanistan không thuộc tổ chức này khi họ được mời đến tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày tại Doha, đã kết thúc vào hôm thứ Hai.

Những người ủng hộ Taliban diễu hành đánh dấu hai năm tổ chức này lên nắm quyền tại Kabul vào ngày 15/8/2023. Ảnh: RT
Những người ủng hộ Taliban diễu hành đánh dấu hai năm tổ chức này lên nắm quyền tại Kabul vào ngày 15/8/2023. Ảnh: RT

Người phát ngôn của chính phủ Taliban, Zabihullah Mujahid, đã yêu cầu Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp và mời quyền Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan, Amir Khan Muttaqi đến tham dự.

“Chúng tôi đã yêu cầu thảo luận các vấn đề quan trọng trong cuộc họp, tuy nhiên, nếu thiếu các thỏa thuận giữa Liên Hợp Quốc và Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, mọi thứ sẽ chỉ là lãng phí thời gian” – ông Mujahid trả lời tờ Tolo News.

Thế giới hầu như không công nhận Chính phủ Taliban kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền ở Kabul vào năm 2021, thời điểm quân đội Mỹ gần như rút khỏi Afghanistan. Liên Hợp Quốc cũng kiên quyết phản đối sự cai trị của tổ chức Hồi giáo này đối với Afghanistan.

Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã quyết liệt phản đối những yêu cầu của Taliban.

“Những điều kiện mà Taliban đưa ra đã ngăn cản chúng tôi trao đổi với các tổ chức khác tại Afghanistan cũng như buộc phải dành sự công nhận chính thức đối với họ”. Vị quan chức này cũng kêu gọi Taliban dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tiếp cận giáo dục và việc làm đối với phụ nữ, nhằm giúp tổ chức này dần nhận được sự chấp nhận của các nước.

Taliban cho rằng phụ nữ chỉ nên chăm lo chuyện gia đình. Bộ Ngoại giao Afghanistan cũng từng tuyên bố nước này sẽ không bị bất kỳ ai ép buộc hoặc gây áp lực để làm những điều không mong muốn, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận thực tế, công bằng hơn.

Taliban lần đầu lên nắm quyền tại Afghanistan vào những năm 1990 và đã bị lật đổ vào năm 2001 bởi các cuộc tấn công của một liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, thay vì bỏ cuộc, lực lượng này đã liên tục nổi dậy trong suốt 20 năm, và lên đến đỉnh điểm là cuộc tấn công vào Kabul vào tháng 8/2021, khiến Tổng thống Afghanistan lúc đó là Ashraf Ghani phải tháo chạy khỏi đất nước.

Sau khi lên năm quyền một lần nữa, Taliban cam kết sẽ không cho phép bất kỳ sự phân biệt đối xử nào đối với phụ nữ. Tuy nhiên, trái ngược với cam kết, nhóm nay đã sớm thông qua một bộ quy định nhằm hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào đời sống xã hội. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền.