Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tấm bảng đá 600 tuổi cảnh báo sóng thần

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Sống ở trên cao mang lại bình yên và hòa hợp cho con cháu chúng ta”, dòng nhắn nhủ trên tấm bảng đá viết.

KTĐT - “Sống ở trên cao mang lại bình yên và hòa hợp cho con cháu chúng ta”, dòng nhắn nhủ trên tấm bảng đá viết.

Những bức tường chắn sóng hiện đại đã không bảo vệ được các thành phố ven biển trước sức tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy tại Nhật vào tháng trước. Nhưng ở làng nhỏ Aneyoshi, chỉ một tấm bảng đá 600 tuổi đã “cứu rỗi” được ngày đó.

Hệ thống cảnh báo sóng thần thô sơ 
 

“Sống ở trên cao mang lại bình yên và hòa hợp cho con cháu chúng ta”, dòng nhắn nhủ trên tấm bảng đá viết. “Hãy nhớ đến tai họa của sóng thần. Không được xây nhà ở dưới điểm này”.

Đó là lời khuyên mà hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ gia đình ở làng Aneyoshi nghe theo. Và nhà của họ vẫn bình an vô sự trước thảm họa đã san phẳng những cộng đồng dân cư sống bên dưới, giết chết hàng ngàn người dọc bờ biển đông bắc Nhật Bản.

Có hàng trăm tấm biển đá như thế nằm rải rác khắp vùng bờ biển đông bắc, một số tấm có từ cách đây hơn 600 năm. Khi hợp lại chúng tạo thành hệ thống cảnh báo sóng thần thô sơ cho Nhật Bản, nước có bờ biển dài nằm dọc các đường nứt lớn của trái đất. Chính vì vậy mà Nhật thường xuyên phải hứng chịu động đất, sóng thần suốt nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, không phải tất cả những tấm bảng đá đó chỉ ra ranh giới an toàn để xây nhà. Một số chỉ đơn giản đứng đó, hoặc đã từng đứng đó, cho đến khi bị trận đại hồng thủy hôm 11/3 vừa qua cuốn trôi. Chúng là cảnh báo hàng ngày cho người dân về nguy cơ sóng thần.

“Nếu động đất đến, hãy cảnh giác với sóng thần”, một tấm bảng đá nhắn nhủ. Nhưng trong cái hối hả của cuộc sống hiện đại, nhiều người đã quên.

Hơn 12.000 người đã được khẳng định là thiệt mạng, trong khi giới chức trách Nhật lo ngại số người chết trong thảm họa 11/3 có thể tăng lên đến 25.000 người. Hơn 100.000 người vẫn đang phải sống tạm trong các trường học, các tòa nhà khác, gần một tháng sau khi sóng thần quét qua. Một vài người may mắn vào cuối tuần này có thể chuyển đến các khu vực nhà tạm đầu tiên vừa được xây xong.

Trong khi đó, các công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị sóng thần tàn phá vào hôm thứ tư vừa qua, cuối cùng đã chặn được nước phóng xạ rò rỉ ra Thái Bình Dương. Nhưng phải mất nhiều tháng nữa mới kiểm soát được các lò phản ứng đang quá nóng.

Thảm họa tự nhiên lớn như trận động đất 9,0 richter, kèm theo đó là sóng thần vào tháng trước có lẽ chỉ xảy ra một lần trong một đời người. Công ty điện lực Tepco, đơn vị điều hành nhà máy, rõ ràng là không chuẩn bị cho tình huống này. Nhiều cộng đồng dân cư được xây dựng ngay bên bờ biển, một số có lẽ thấy đủ an tâm khi nằm trong các bức tường chắn sóng, được xây dựng sau thảm họa sóng thần chết người, nhưng nhỏ hơn vào năm 1960.

Chọn sự sống thay vì của cải, vật chất

Nhiều người đã thoát nạn, bỏ chạy ngay sau khi động đất xảy ra. Nhưng ở một số nơi, thời gian chỉ tính bằng phút. Một số lại nấn ná, chần chừ, nên đã thiệt mạng.

“Mọi người đều có kiến thức quan trọng này, nhưng họ quá bận rộn với cuộc sống, với công việc và nhiều người đã quên”, Yotaru Hatamura, một học giả nghiên cứu về các tấm bảng cảnh báo trên cho biết.

Một tấm bảng đá cảnh báo mối nguy hiểm sóng thần ở thành phố duyên hải Kesennuma: “Phải luôn chuẩn bị cho những trận sóng thần bất ngờ. Hãy chọn sự sống thay vì của cải, vật chất”.

Tetsuko Takahashi, 70 tuổi, an toàn trong ngôi nhà trên sườn đồi của bà. Bà đã nhìn qua cửa trước nhà mình, khi những người khác không để ý tới lời khuyên đó. Bà thấy một con tàu bị cuốn trôi nửa km vào đất liền, “ngấu nghiền” các tòa nhà trên đường đi của nó.

“Sau trận động đất, mọi người trở về nhà để lấy đồ quý giá và xếp gọn các tấm chiếu “tatami” trên sàn. Và họ đều bị mắc kẹt”, bà cho biết.

Gia đình bà đã sống ở Kesennuma từ thế hệ này sang thế hệ khác, song những người từng trải qua trận sóng thần khủng khiếp nhất trước đó đã qua đời nhiều năm rồi. Bà chỉ có thể kể lại những ký ức mờ nhạt về trận sóng thần yếu hơn năm 1960, do trận động đất mạnh ngoài khơi Chile gây ra.

Lãng quên cảnh báo của tổ tiên

Theo Fumihiko Imamura, giáo sư dự đoán thảm họa ở Đại học Tohoku ở Sendai, thành phố gánh chịu thảm họa sóng thần nặng nề nhất vào tháng trước, tổ tiên cũng để lại cảnh báo trong địa danh. Ví dụ như một thị trấn có tên gọi “Vùng đất bạch tuộc”, chỉ sinh vật biển bị sóng thần cuốn trôi đến. Hay họ cũng đặt tên các ngôi đền theo những trận sóng thần khủng khiếp.

“Phải mất khoảng 3 thế hệ mọi người mới quên được. Những người đã trải qua thảm họa này sẽ kể lại cho con, cháu họ. Nhưng trí nhớ rồi cũng phai nhạt”, ông nói.

Song ngôi làng nhỏAneyoshi, nơi mọi người xây nhà bên trên tấm bảng cảnh báo, là một trường hợp ngoại lệ.

“Mọi người ở đây đều biết về các tấm biển. Chúng cháu được học chúng ở trường”, Yuto Kimura, 12 tuổi, cho biết. “Khi sóng thần đến, mẹ cháu tới trường đón cháu và cả làng trèo lên khu đất cao hơn”.

Aneyoshi, nằm trong thành phố Miyako, đã liên tục bị sóng thần hoành hành, trong đó có trận đại hồng thủy năm 1896. Isamu Aneishi, 69 tuổi, cho biết tổ tiên của ông đã di chuyển nhà nghỉ của gia đình lên khu đất cao hơn từ hơn 100 năm trước.

Nhưng 3 đứa cháu của ông học ở trường tiểu học cách biển có 150m, tại Chikei, một thị trấn lớn hơn bên dưới. Trường và các tòa nhà xung quanh bị phá hủy hoàn toàn. Thi thể các cháu ông vẫn chưa được tìm thấy.

Xa hơn về phía nam, sóng thần đã cuốn trôi tấm biển đá cao đứng ngay cạnh một sân chơi tại trung tâm thành phố Natori. Dòng chữ nhắn nhủ khắc trên đó viết bằng chữ hoa: “Nếu động đất xảy ra, hãy cảnh giác với sóng thần”.

Nhưng nó không ngăn được một số người rời nơi làm việc sớm sau khi xảy ra động đất. Một số tới trường đón con, về nhà gần bờ biển của họ để xem xét.

Nhiều người đã không thoát khỏi. Hơn 820 thi thể đã được tìm thấy ở Natori, một số bị mắc kẹt giữa những cành cây cao khi nước rút đi. Khoảng 1.000 người khác vẫn mất tích.

Hiroshi Kosai lớn lên ở Natori, nhưng đã chuyển đi sau khi học phổ thông xong. Cha mẹ anh, vẫn ở lại nhà họ, đã thiệt mạng trong thảm họa.

“Tôi luôn nói với bố mẹ là ở đây rất nguy hiểm”, người đàn ông 43 tuổi cho hay, khi chỉ vào nơi đã từng có một tấm bảng đá. “Trong 5 năm nữa, bạn sẽ thấy nhà cửa lại bắt đầu mọc lên ngay tại đây”.