Tâm điểm đối địch mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thái độ phẫn nộ và phản ứng bạo lực của người Hồi giáo về việc tạp chí Charlie Hebdo tiếp tục đăng tranh biến họa đấng thần linh của Đạo Hồi sau vụ khủng bố là điều có thể dự đoán được.

Một bên coi việc tiếp tục định hướng báo chí như lâu nay là bằng chứng rằng không bị khuất phục bởi khủng bố. Một phía coi sự tiếp tục ấy là chủ ý khiêu khích và xúc phạm về tôn giáo. Nhận thức như thế và hành xử như vậy đều không phải là mới lạ gì ở cả hai phía. Sự đối đầu về ý thức hệ và cọ sát giá trị về văn hoá và tôn giáo giữa phương Tây và Đạo Hồi đang gia tăng và vì thế sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Cả việc khủng bố xảy ra ở nước Pháp cũng không gây bất ngờ, nhưng phản ứng dữ dội và bạo lực của người Hồi giáo ở Niger thì lại khác. Nước này đang trở thành trung tâm của làn sóng phản đối của thế giới Hồi giáo đối với những biện pháp chính sách và việc làm ở những nước phương Tây với lập luận vì lý do an ninh hay tự do ngôn luận và báo chí nhưng người Hồi giáo cho rằng không tôn trọng, thậm chí còn thù địch với tín ngưỡng của họ.

Niger trở thành tâm điểm như thế có lý do trước hết ở chỗ nước này người theo Đạo Hồi chiếm tới gần 98% dân số, bị bao bọc xung quanh bởi những nước đều trong khủng hoảng quyền lực và an ninh có liên quan đến những phần tử, lực lượng và tổ chức Hồi giáo cực đoan là Nigeria, Mali và Libia. Niger là nước có tốc độ gia tăng dân số cao nhất châu Phi nhưng lại thuộc diện nghèo và chậm phát triển nhất trên châu lục này. Chính phủ Niger lại ủng hộ Chính phủ Pháp và điều đó cho thấy không có sự đồng thuận giữa chính giới và đa số dân chúng. Môi trường chính trị, xã hội, tôn giáo và an ninh như thế rất thuận lợi cho sự cực đoan hóa trong dân chúng và bùng phát sự đối địch với phương Tây.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần