Tam giác phát triển của Quảng Ngãi

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu kinh tế (KKT) Dung Quất - huyện đảo Lý Sơn - TP Quảng Ngãi đang hình thành tam giác phát triển. 3 vùng kinh tế trọng điểm này chính là đòn bẩy, tạo ra sợi dây liên kết để thúc đẩy kinh tế Quảng Ngãi phát triển.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất sau khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh Quảng Ngãi

Tam giác “công nghiệp - du lịch - đô thị”
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cho biết, trong định hướng mục tiêu phát triển, tỉnh Quảng Ngãi đều quan tâm và dành nguồn lực thích đáng cho sự phát triển của tất cả các địa bàn, khu vực, dân cư, nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ, bền vững. Tuy nhiên, theo ông Căng, tùy theo mỗi địa phương, khu vực có những lợi thế riêng mà có những định hướng, nhiệm vụ phát triển khác nhau.
Đề cập đến tam giác Dung Quất - Lý Sơn - TP Quảng Ngãi, Chủ tịch Trần Ngọc Căng chia sẻ: “KKT Dung Quất đã và đang dần phát triển thành Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, phát triển điện lực, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu và phát triển công nghiệp, dịch vụ. Trong khi đó, huyện Lý Sơn tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, hậu cần nghề cá. Còn TP Quảng Ngãi là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh, là đầu tàu phát triển của tỉnh, là động lực lan tỏa đến các huyện lân cận; phát triển bền vững trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, lấy trụ cột phát triển là kinh tế đô thị và kinh tế biển; tập trung phát triển hạ tầng đô thị từng bước theo hướng đồng bộ”.
Dung Quất là cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư, là tiềm năng đặc biệt của Quảng Ngãi. Đến cuối năm 2018, tại KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi có 279 dự án được cấp phép còn hiệu lực, trong đó có 118 dự án sản xuất công nghiệp. Điều này nói lên nhu cầu công nghiệp phụ trợ và dịch vụ công nghiệp để phục vụ các dự án tại KKT và các KCN rất lớn.
“Có hàng loạt các nhà máy, dự án đã và đang triển khai, hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy công nghiệp nặng Doosan, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Khu phức hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP; các nhà đầu tư lớn trong nước như Vingroup, FLC đã và sắp triển khai các dự án tại tỉnh. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hấp dẫn đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Trần Ngọc Căng khẳng định.

Một góc đảo Lý Sơn

Với huyện đảo Lý Sơn, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và hậu cần nghề cá là ngành nghề không thể tách rời. Trong định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn còn là vùng kinh tế trọng điểm với thế mạnh du lịch.
Từ lâu, Lý Sơn được ví như “đảo tiên” giữa biển Đông với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, cổng Tò Vò, hòn Mù Cu, bãi Sau của đảo bé An Bình, miệng núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới... và các hệ sinh thái điển hình như rạn san hô, thảm cỏ biển. Lý Sơn có 22 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh, 1 di tích phi vật thể và nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo.
Hiện nay, Lý Sơn có gần 110 nhà nghỉ, khách sạn và dịch vụ du lịch cộng đồng đang hoạt động với gần 700 phòng và có thể tiếp nhận cùng lúc từ 2.700 - 3.000 khách. Các tour du lịch văn hóa, lịch sử - tâm linh và du lịch sinh thái biển phù hợp với thế mạnh của Lý Sơn được hình thành, mở rộng, chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp. Chỉ trong 6 tháng năm 2018, Lý Sơn đón 150.000 khách đến tham quan. Đó là con số nói lên sức hấp dẫn của du lịch Lý Sơn.
KKT Dung Quất - huyện đảo Lý Sơn - TP Quảng Ngãi đang hình thành tam giác phát triển cho Quảng Ngãi với định hướng rất rõ ràng. Trong đó, Dung Quất tập trung phát triển công nghiệp, Lý Sơn phát triển du lịch và TP Quảng Ngãi phát triển đô thị.
“Sự phát triển của 3 khu vực trên cũng như các địa phương khác trong tỉnh có sự liên kết, bổ trợ cho nhau. Sự phát triển của khu vực, địa phương này là tiền đề, thúc đẩy sự phát triển của khu vực, địa phương kia và ngược lại”, Chủ tịch Trần Ngọc Căng nhấn mạnh.
Một góc TP Quảng Ngãi
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa
Trên thực tế, TP Quảng Ngãi vẫn là một đô thị chậm phát triển so với các đô thị có nét tương đồng trong khu vực như Đồng Hới (Quảng Bình), Tam Kỳ (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên… Vì thế, cần sớm có những giải pháp để TP Quảng Ngãi phát triển và kết nối giao thông, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành thị trường bất động sản.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng cho rằng: “Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng và phát triển TP Quảng Ngãi, một trong những nhiệm vụ đột phá được tỉnh xác định. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống các công trình giao thông, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đây là sự phát triển tất yếu khách quan, theo đúng định hướng của Chính phủ và của tỉnh”.
Cũng theo ông Căng, TP Quảng Ngãi phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại II và một số tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020. Cụ thể là phải phát triển đô thị TP Quảng Ngãi để đạt chuẩn số phường của TP đến năm 2020 là 12 phường/tổng số 23 xã, phường (hiện nay 9 phường). Nếu không phát triển đô thị thông qua các dự án khu đô thị, khu dân cư thì TP Quảng Ngãi sẽ không đạt các tiêu chí của đô thị loại II như đã phê duyệt. Do đó, việc phát triển các khu dân cư, khu đô thị là thực hiện theo Chương trình phát triển đô thị, Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025 là phù hợp để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
So với mục tiêu đề ra và so với sự phát triển chung của cả nước, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Quảng Ngãi còn thấp. Vì vậy, Quảng Ngãi cần thiết đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở TP Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác.