Bước trượt dàiMột ngày đầu tháng 11, tôi gặp Phạm Vũ Uẩn (sinh năm 1989) tại cửa hàng cắt tóc gội đầu do Uẩn làm chủ nằm sâu trong một khu dân cư đông đúc tại ngõ 158 đường Phạm Văn Đồng. Lần đầu gặp nếu không được giới thiệu, liên hệ trước có lẽ tôi không thể hình dung được rằng một thanh niên dáng người mảnh khảnh, làn da trắng, khuôn mặt thông minh trông rất… thư sinh lại có nhiều năm dính vào ma túy – “cái chết trắng”.Ngồi trên chiếc ghế chuyên dụng dành để cắt tóc, nhấp một ngụm nước, sau một hồi im lặng, Uẩn kể, năm 2005 khi chưa thực sự trưởng thành, suy nghĩ còn non nớt, do những phút yếu lòng, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo cùng với tâm lý thích ăn chơi, đua đòi nên đã lao vào ma túy như một cách để thể hiện mình. Lúc đầu, chỉ là cần sa, thuốc lắc… thử cho biết, thế rồi dần dần Uẩn lao vào heroin và trở thành “nô lệ” của nó lúc nào không hay. Bập vào ma túy, Uẩn đã mất đi tất cả, từ sự tự tin khi giao tiếp với những người thân trong gia đình, hàng xóm đến cánh cửa trường đại học.
Uẩn kể, ngày trước, mỗi ngày trung bình cậu "đốt" vào heroin khoảng 500.000 đồng. Lúc đầu, để có tiền, cậu phải nói dối bố mẹ đóng đủ các loại học phí, tài liệu, thậm chí sau đó mỗi tuần lấy xe máy đi cắm một lần, hàng chục triệu đồng cũng tiêu hết. Những lần như thế, bố mẹ Uẩn lại phải bỏ tiền ra chuộc xe về. “Nhiều lúc tỉnh táo, tôi cũng hiểu rằng tiếp tục sử dụng ma túy không chỉ khiến hao tổn sức khỏe, tiền bạc, mất khả năng lao động, thậm chí dễ sa đà vào con đường phạm pháp… nhưng nói là một chuyện, sức hút của ma túy khiến tôi tiếp tục trượt dài trên con đường tiến gần hơn với cái chết trắng” – Uẩn kể.Thế nhưng, một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời của Phạm Vũ Uẩn là năm 2007 khi Câu lạc bộ B93 phường Mai Dịch đến động viên, thuyết phục Uẩn đi cai nghiện bắt buộc. Nghĩ lại ngày đó, Uẩn bảo, 2 năm cai nghiện bắt buộc và 2 năm quản lý sau cai là khoảng “thời gian vàng” để anh suy nghĩ và quyết tâm làm lại cuộc đời. “Những ngày ở nhà, đầu óc tôi lúc nào cũng loanh quanh với câu hỏi, làm thế nào để có tiền mua ma túy cho lần sử dụng tiếp theo. Từ ngày vào trại, tôi có thời gian để suy nghĩ lại về chính bản thân, gia đình, về những tiếng khóc của mẹ, tiếng thở dài của cha và nỗi khổ của gia đình, người thân trải qua trong thời gian qua. Từ đó tôi hạ quyết tâm phải cai nghiện thành công để trở thành một người công dân có ích” – Uẩn chia sẻ.Cộng tác viên tiên phong loại trừ ma túyChia sẻ về quãng thời gian sau cai nghiện, Uẩn cho biết, để cai nghiện ma túy, điều quan trọng nhất là phải có quyết tâm của bản thân và sự động viên, chia sẻ của người thân. Khi mới ra trại, ngoài sự động viên của gia đình, người thân… điều may mắn nhất giúp anh tránh xa được sự cám dỗ của ma túy chính là sự động viên, chia sẻ, thậm chí là giám sát của người yêu – vợ của anh hiện tại.Cũng theo chia sẻ của anh, lúc mới yêu nhau, anh không đủ can đảm để nói với người yêu rằng mình là người đã nhiều năm nghiện ma túy và vừa đi cai nghiện về. Song, sau một thời gian yêu nhau, cảm nhận được tình cảm chân thành của cô gái, anh đã nói ra được điều đó. “Khi biết tin, cô ấy chỉ nói: “Em tin tưởng anh, chỉ cần anh quyết tâm không quay trở lại với ma túy thì em sẽ ở bên anh suốt đời”. Với tôi, đó là một câu nói giá trị hơn gấp trăm ngàn lời động viên, chia sẻ… Sau đó, tôi quyết tâm học lấy một nghề để nuôi sống bản thân, tránh xa những cám dỗ của ma túy” – Uẩn tâm sự.Nói là làm, sau một thời gian học nghề, đi làm tại một cơ sở cắt tóc ở Cầu Diễn, Uẩn đã trở về mở một cửa hàng cắt tóc, gội đầu gần nhà. Nhận thấy sự quyết tâm của Uẩn, năm 2018, chính quyền và các tổ chức đoàn thể phường Mai Dịch tạo điều kiện cho anh được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận để phát triển kinh tế. Tiếp đó, đầu năm 2020, thông qua Điểm tư vấn hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng quận Cầu Giấy, Uẩn tiếp tục được hỗ trợ vay 50 triệu đồng phát triển kinh doanh.Với sự quan tâm, động viên của gia đình và xã hội, đến nay, cửa hàng cắt tóc do Uẩn làm chủ đã hoạt động có hiệu quả, mang lại thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, hiện Uẩn còn là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ B93 và Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị ma túy tại cộng đồng quận Cầu Giấy.Cùng với đó, Uẩn sẵn sàng dạy nghề, tạo việc làm cho những người lầm lỡ cai nghiện thành công ngay tại cửa hàng của mình. “Mặc dù công việc ở cửa hàng rất bận, song tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian tham gia các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ B93 và Điểm tư vấn hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng quận Cầu Giấy để chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng đối với những người lầm lỡ khác” – Phạm Vũ Uẩn chia sẻ.
Phạm Vũ Uẩn chia sẻ: “Tôi mong rằng các đoàn thể và toàn xã hội hãy gần gũi, cảm thông hơn nữa để những người lầm lỡ không bị kỳ thị. Hãy tạo cho những người nghiện ma túy có cơ hội để làm lại cuộc đời, được vay vốn, tạo việc làm, học nghề, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cũng như sẻ chia các tâm tư, nguyện vọng của bản thân và gia đình”. |