Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tâm lý học - ngành của xã hội hiện đại

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 10 năm trước, ngành tâm lý học được biết đến thuần túy là một ngành thuộc khối khoa học xã hội, công việc khá đơn điệu và không dễ xin việc sau khi ra trường.

Hiện nay, sức ảnh hưởng của ngành này lớn hơn, cơ hội việc làm rộng mở và được đông đảo người học quan tâm.

Nhân lực khan hiếm, nhu cầu lớn

Trên thế giới, tâm lý học chính thức trở thành một ngành khoa học độc lập từ năm 1879. Các trung tâm đại học hàng đầu thế giới của Mỹ, Pháp, Anh, Úc... cho đến các nước châu Á phát triển đều không thể thiếu ngành lâm lý học trong hệ thống các ngành khoa học về xã hội và nhân văn.

Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu về tâm trí, hành vi, tiến trình tinh thần bên trong của con người; cung cấp những tri thức về cách vận hành tâm trí, cách con người suy nghĩ, cảm nhận, hành động cũng như các phương pháp tiếp cận, xử lý những vấn đề tâm lý. Tâm lý học còn là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực và cách tiếp cận - giao thoa, đi sâu vào từng ngõ ngách đời sống từ văn hóa, y học, giáo dục, đến kinh tế, chính trị…

Ngành tâm lý học ngày càng hấp dẫn người học. Ảnh: Công Hùng
Ngành tâm lý học ngày càng hấp dẫn người học. Ảnh: Công Hùng

Những người có chuyên môn nghiên cứu hoặc ứng dụng trong lĩnh vực này được gọi là nhà tâm lý. Nhiệm vụ của các nhà tâm lý là nghiên cứu bản chất của những hiện tượng tâm lý, nghiên cứu mối liên hệ giữa các hiện tượng tâm lý đó và chức năng, vai trò của tâm lý đối với hoạt động của con người. Do vậy, nhà tâm lý là người có chuyên môn về ứng dụng, nghiên cứu về hàn lâm ở lĩnh vực này. Ngoài ra, nhà tâm lý cũng có thể được phân loại riêng ra theo nhiều ngành khác như: nhà nghiên cứu nhận thức, nhà nghiên cứu xã hội học và nhà nghiên cứu hành vi.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, nhân lực ngành tâm lý học hiện nay vô cùng khan hiếm; trong khi nhu cầu thời gian tới rất lớn. Chỉ tính riêng ngành giáo dục, khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn về việc mỗi trường phổ thông công lập chính thức có một biên chế tư vấn tâm lý cho học sinh thì dư địa việc làm của ngành tâm lý học càng mở rộng hơn.

Ở Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong xu hướng hội nhập, nhiều cơ sở đào tạo đại học uy tín khắp cả nước đã mở ngành tâm lý học với đội ngũ giảng viên tận tâm, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản từ nhiều quốc gia: Mỹ, Anh, Pháp… Cùng với đó, chương trình đào tạo ngành tâm lý học cũng được cập nhật liên tục và tiệm cận quốc tế, có tính ứng dụng cao.

Tại Trường Đại học (ĐH) Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), sinh viên ngành tâm lý học có thể chọn chương trình giáo dục chuyên ngành tâm lý học tham vấn - trị liệu hoặc tâm lý học tổ chức - nhân sự. Ngoài những môn học đại cương thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về ứng dụng của tâm lý học trong đời sống qua nhiều môn học chuyên ngành: kỹ năng tham vấn tâm lý, tâm lý học tổ chức - nhân sự, tâm lý học quản lý, tâm bệnh học phát triển, can thiệp và trị liệu tâm lý trẻ em, tư duy phản biện…

Theo định hướng đào tạo của đơn vị, cử nhân ngành tâm lý học được trang bị hệ thống kiến thức tổng quát về khoa học tâm lý và kiến thức chuyên môn về tư vấn tâm lý, tâm lý trị liệu, về hành vi và khoa học liên quan đến con người và ứng dụng để xử lý các vấn đề, tình huống về tâm lý con người, về quản trị nhân sự. Ngoài ra, cử nhân ngành này còn được củng cố các kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng và vận dụng các bài trắc nghiệm, quan trắc về tâm lý con người, kỹ năng nghiên cứu, tư vấn và giảng dạy về tâm lý học…

Đa dạng việc làm

Các chuyên gia tuyển dụng cho biết, việc làm của ngành tâm lý rất tiềm năng và đa dạng. Sau khi tốt nghiệp ngành tâm lý học, sinh viên có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp như: nghiên cứu khoa học tâm lý tại các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan hoạch định chính sách - chiến lược, cơ quan điều tra tâm lý tội phạm, bộ phận nghiên cứu tâm lý khách hàng cho các công ty.

Cùng với đó, ứng viên học ngành tâm lý có thể làm việc tại các đơn vị ứng dụng thực hành tâm lý như: tư vấn tâm lý trên các phương tiện truyền thông, tại các trung tâm tư vấn, trường học, các tổ chức lao động; trợ lý chuyên môn trị liệu tâm lý, tâm lý lâm sàng tại các bệnh viện, bệnh viện tâm thần, bệnh viện nhi đồng, các trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, trung tâm dưỡng lão, trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và các trường chuyên biệt...

Một vị trí việc làm hấp dẫn khác mà sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý có thể ứng tuyển là tư vấn cho lãnh đạo về các vấn đề nhân sự, tổ chức lao động và nghiên cứu tâm lý, tư vấn tâm lý khách hàng tại các tổ chức lao động và các công ty. Thêm nữa, ứng viên cũng có thể làm giảng dạy tâm lý học tại các trường ĐH, cao đẳng, viện nghiên cứu, các trường dạy nghề và còn phù hợp khi làm việc trong bộ phận marketing, tư vấn, tổ chức sự kiện…

Chia sẻ về một số tố chất, yêu cầu khi theo đuổi học ngành tâm lý, các chuyên gia đào tạo cho hay: những lý thuyết liên quan trực tiếp đến chuyên môn sẽ từng bước được trang bị; tuy nhiên, nếu muốn theo đuổi bất kỳ con đường nào thuộc phạm trù ngành tâm lý, ngoài niềm yêu thích, đam mê, người học cũng cần phải có một số tố chất quan trọng để đáp ứng sự phù hợp.

Đầu tiên là khả năng lắng nghe và thấu cảm để biết cách đặt mình vào vị trí của người xung quanh, có những góc nhìn khách quan về sự việc. Tiếp đó là phải có khả năng giao tiếp khéo léo, hiệu quả; có khả năng diễn đạt thông suốt với những lý lẽ thuyết phục người nghe.

Người theo ngành tâm lý cũng cần có biết quan sát, biết phân tích các biểu hiện phi ngôn ngữ như cử chỉ, biểu cảm, quan sát môi trường sống và làm việc của cá nhân; phân tích chi tiết trong thông tin thu thập được để hiểu sâu hơn về tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc của người khác và đưa ra nhận định chính xác, hỗ trợ quá trình điều trị, giải quyết vấn đề.

Khi theo học và làm việc trong lĩnh vực tâm lý, sự kiên trì và khả năng chịu được áp lực công việc cao chính là hai tố chất không thể thiếu. Công việc này thường đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả chất xám nên việc trang bị cho bản thân lòng kiên trì, quyết tâm, khả năng không ngại đối diện với áp lực chính là bước đệm cần thiết.

Thêm vào đó, khả năng quan sát, phân tích dữ liệu để đánh giá tình huống chính xác kết hợp cùng khả năng giải quyết vấn đề để tìm ra những giải pháp tâm lý cũng là tố chất quan trọng giúp mỗi người thành công hơn trên con đường học tập và làm việc trong lĩnh vực tâm lý.

 

Xã hội ngày càng hiện đại và phát triển, nghề tâm lý càng được coi trọng bởi tính cần thiết cũng như giá trị nhân văn mà nghề này mang lại trong việc mưu cầu đời sống hạnh phúc cho con người.
Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - PGS.TS Trịnh Thị Linh