Tận dụng "khoảng lặng" thuế quan, doanh nghiệp Việt tăng tốc xuất khẩu
Kinhtedothi - Việc cần làm ngay của các DN Việt Nam là phải thỏa thuận với các nhà nhập khẩu Mỹ cùng chia sẻ rủi ro, tranh thủ xuất khẩu các đơn hàng đã ký kết; đồng thời, khẩn trương điều chỉnh chiến lược hoạt động kinh doanh và chủ động các biện pháp ứng phó lâu dài.
Tăng tốc hoàn trả đơn hàng
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày tạo điều kiện thuận lợi rõ rệt cho ngành cá tra Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Quốc Nghĩa chia sẻ, hầu hết DN ngành hàng cá tra đã nối lại hợp đồng với đối tác ngay khi Mỹ công bố hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày. Hiện các DN đang tập trung nhân công dồn sức chế biến để hoàn trả các đơn hàng trước đó trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3,4 USD/kg, với mức thuế đối ứng cơ sở 10%, các sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn giữ vị thế cạnh tranh tốt.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh hoạ
Ngoài sản phẩm chủ lực là phile cá tra đông lạnh, Mỹ chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam sản phẩm tẩm bột mã HS 16041990 (cá tra finger tẩm bột đông lạnh, cá tra tẩm bột chiên, cá tra lóc lát tẩm bột đông lạnh, cá tra fillet nugget tẩm bột đông lạnh...).
Các DN ngành gỗ Việt Nam cũng “thở phào” nhẹ nhõm khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày. Trước mắt, các DN tăng tốc hoàn thành đơn hàng đang dang dở, đẩy nhanh hơn để kịp giao ra cảng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Ngoài Mỹ, Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Tuy nhiên, nhiều thị trường chỉ nhập khẩu dăm gỗ, viên nén hoặc gỗ nguyên liệu, còn sản phẩm nội thất hoàn chỉnh gần như chỉ có Mỹ tiêu thụ mạnh và ổn định nhất.
“Bên cạnh việc chạy đua với thời gian đẩy nhanh xuất hàng sang Mỹ, một số DN đã và đang nỗ lực chuyển hướng thị trường và tranh thủ thuế nhập khẩu gỗ giảm để nhập và xuất sang các nước khác; đặc biệt chú trọng phân khúc cao cấp bởi đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao" - ông Ngô Sỹ Hoài thông tin.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khoảng thời gian hoãn thuế 90 ngày cũng là cơ hội để các DN tích cực khai thác, tìm kiếm thêm các thị trường mới thay thế, bù đắp khi thị trường Mỹ giảm nhu cầu. Đơn cử, đối với ngành dệt may, những thị trường rất tiềm năng hiện nay có thể kể tới là Canada, ASEAN…; đối với ngành hàng rau quả, DN nên tìm kiếm mở rộng các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Đông...; hay ngành gỗ và lâm sản cần khai thác nhiều thị trường mới như: UAE, Ấn Độ…
Giảm phụ thuộc thị trường Mỹ
PGS TS Ngô Trí Long khuyến nghị, các DN cần xây dựng cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, trong 90 ngày, cần linh hoạt, tăng tốc sản xuất và xuất khẩu, tận dụng thời gian miễn thuế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang Mỹ, tối ưu hóa chi phí và doanh thu.

Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Cùng với đó, đàm phán với đối tác Mỹ ký kết thêm hợp đồng, chốt giá và cam kết giao hàng trong giai đoạn chưa bị áp thuế; tối ưu logistics và chuỗi cung ứng, tận dụng giá cước vận tải hiện hành, chuẩn bị hàng hóa nhanh, linh hoạt hơn trong giao nhận. Điều quan trọng là cần đánh giá rủi ro chính sách, thành lập nhóm theo dõi tình hình đàm phán Mỹ - Trung hoặc Mỹ và các nước để kịp thời điều chỉnh chiến lược.
Về lâu dài, cần giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách mở rộng sang thị trường EU, Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản... Một mặt, tái cấu trúc sản phẩm và định vị thương hiệu, tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, ít bị cạnh tranh về giá. Đồng thời, tăng cường năng lực nội tại bằng cách đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, kiểm soát chất lượng và chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu.
"Bài học từ thực tiễn DN đầu tư nước ngoài (FDI) và đa quốc gia đã và đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh "điểm nóng" về thuế. DN Việt Nam nếu chỉ tập trung xuất khẩu thô sang Mỹ sẽ dễ bị tổn thương nếu có chính sách thuế mới hoặc hàng rào kỹ thuật" - PGS TS Ngô Trí Long lưu ý.
Đề cập về giải pháp căn cơ giúp xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng bền vững trong dài hạn, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian qua, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là vấn đề được quan tâm nhiều, song cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Đa dạng hóa có thể thông qua các kênh như xúc tiến thương mại, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên năng suất lao động, khoa học - công nghệ, nhân lực trình độ cao.
Trích dẫn
Các DN Việt Nam phải thỏa thuận với các nhà nhập khẩu Mỹ cùng chia sẻ rủi ro, tranh thủ xuất khẩu các đơn hàng đã ký kết. Với những hợp đồng chưa ký kết, hiện phía đối tác Mỹ cũng đang phân vân, tương lai như thế nào phụ thuộc vào đàm phán của Việt Nam với Mỹ. DN phải đặt ra các phương án cụ thể dự báo tình hình sau thời gian hoãn thuế, lên kế hoạch ứng phó mang tính dài hơi, không chỉ trông chờ vào việc Chính phủ đàm phán.

Mất 500 triệu đồng vì bị lừa đi xuất khẩu lao động tại Mỹ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị vừa khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên 500 triệu đồng.

Châu Á đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hàng không xanh, dự kiến tăng xuất khẩu
Kinhtedothi - Châu Á đang đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), kỳ vọng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu khu vực trước xu hướng năng lượng xanh toàn cầu.

Đa dạng hoá thị trường, phân tán rủi ro cho xuất khẩu nông sản
Kinhtedothi - Quý I/2025, tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh và các thay đổi về chỉnh thuế, việc đa dạng hoá thị trường để phân tán rủi ro cho xuất khẩu nông sản là vấn đề cần được tập trung thúc đẩy.