Tại Hội thảo đánh giá kết quả thành công bước đầu của mô hình diễn ra ngày 15/11, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết: Đây là mô hình xử lý môi trường trong nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân điển hình của thành phố, rất cần được nhân rộng.
Dễ làm, hiệu quả
Vụ Đông năm nay, trên cánh đồng xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, những luống khoai tây lần đầu tiên được phủ bằng thứ rơm ủ hoai mục hay nói đúng hơn, đó là một loại phân hữu cơ được tạo ra bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR. Chị Nguyễn Thị Loan, người dân địa phương cho biết: Nhờ được phổ biến kỹ thuật ủ rơm rạ làm phân bón nên vụ thu hoạch vừa rồi, gia đình chị đã không đốt rơm rạ ngoài đường. Không những thế, việc sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ còn rẻ hơn rất nhiều so với phân hóa học, lại không gây thoái hóa đất.
Theo Tiến sỹ Lê Văn Tri, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học, việc xử lý rơm rạ thành phân bón bằng chế phẩm sinh học rất dễ thực hiện. Chỉ cần pha chế phẩm theo đúng tỷ lệ rồi trộn vào rơm và ủ, sau 10 ngày đống ủ đã đạt 50 - 52 độ C và chuyển màu nâu, sau 15 ngày đảo lại và sau 30 - 35 ngày rơm đã hoai mục thành phân hữu cơ. Trung bình 1 tấn rơm rạ khô thu được từ 600 - 700kg phân hữu cơ.
Còn nếu muốn làm nấm rơm, người dân có thể ủ rơm từ sau khi thu hoạch lúa mùa, khoảng 20 - 25 ngày là có sản phẩm, sau đó thu hoạch liên tục trong vòng một tháng. Ông Đinh Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ cho biết: Công nghệ mới này cho phép người dân trồng nấm ở mọi địa hình, trong nhà, trong vườn hoặc ngoài ruộng đều được. Với năng suất bình quân 120kg nấm tươi/ tấn rơm khô và với giá bán tại ruộng 50.000 đồng/kg, người dân có thể thu về 6 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 3 triệu đồng.
Sớm nhân rộng
Hà Nội hiện có khoảng 200.000ha gieo cấy lúa, do vậy mỗi năm có khoảng trên một triệu tấn rơm rạ khô (1ha lúa cho khoảng 6 tấn rơm rạ khô). Đây là nguồn nguyên liệu quý nếu sử dụng hợp lý làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Song do nhu cầu sử dụng thấp nên ước tính sau mỗi vụ thu hoạch, có khoảng 80% lượng rơm rạ thừa được nông dân đốt hủy hoặc thả xuống dòng chảy gây ô nhiễm môi trường, phá hủy các công trình công cộng, hạn chế tầm nhìn gây tai nạn giao thông, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Để từng bước giải quyết vấn đề trên, vụ mùa 2011, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với 2 đơn vị để triển khai mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đối với mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học, Trung tâm phối hợp với Công ty CP Công nghệ sinh học triển khai trên quy mô 610 tấn rơm, tại 8 quận, huyện ven nội thành có diện tích cấy lúa. Đối với mô hình sản xuất nấm rơm trái vụ, phối hợp với Trung tâm công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền) triển khai trên phạm vi tại 4 điểm: Tân Hưng (Sóc Sơn), Đốc Tín (Mỹ Đức), Đông Xuân (Quốc Oai) và Hồng Thái (Phú Xuyên), mỗi điểm thử nghiệm một tấn rơm.
Tại Hội thảo, lãnh đạo các địa phương đã rất phấn khởi khi được tận mắt chứng kiến cách làm và hiệu quả của các mô hình. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm, mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã đáp ứng được nhiều mục tiêu của thành phố. Đó là nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cải thiện hệ sinh thái đồng ruộng và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Ông Tâm cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình này trong năm 2012, để đề nghị thành phố cho phép thực hiện. Về lâu dài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị Trung tâm Khuyến nông phải xây dựng đề án lồng ghép việc xử lý rơm rạ, nâng cao đời sống cho nông dân trên địa bàn toàn thành phố.