Cùng với 200 em học sinh đến nhận quà tặng từ hành trình “Nối trọn yêu thương - Nâng bước tới trường” của Công ty Tân Hiệp Phát, những người cha, người mẹ, ông bà đều xúc động trước nghĩa tình của cộng đồng tiếp sức cho nỗ lực đến trường của con cháu mình.
Đây là đợt đầu tiên trong hành trình “Nối trọn yêu thương - Nâng bước tới trường” trao 800 phần học bổng cho học sinh giàu nghị lực vượt khó tại 4 tỉnh Hậu Giang, Bình Dương, Quảng Nam và Hà Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty Tân Hiệp Phát và kỷ niệm 11 năm Tân Hiệp Phát khởi công xây dựng nhà máy Number One tại huyện Châu Thành, Hậu Giang.
Từ sáng sớm, 200 em học sinh là các con, cháu, học trò cùng với gia đình, thầy cô đã có mặt tại Hội trường Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang để nhận học bổng từ chương trình “Nối trọn yêu thương - Nâng bước tới trường”. Trên khuôn mặt mọi người đều hiện rõ niềm vui khi được cộng đồng động viên, tiếp sức đến trường.
“Tui chỉ ước có đủ tiền mua quần áo cho 5 đứa con”
Đó là tâm sự của chị Điệp (49 tuổi), trú tại phường 3, TP Vị Thanh. Chị Điệp cho biết nhà có 5 người con, đứa nhỏ nhất học lớp 1; 4 đứa còn lại đã nghỉ học hết.
“Nhà không có ruộng, vợ chồng tui đi vác lúa, vác xi măng mướn, ngày được hơn 200.000 đồng, đủ mua chục ký gạo cho 5 người ăn nên quần áo của tụi nhỏ dính sình lầy cũng không có tiền mua mới. Trước giờ toàn được cô giáo thương đi xin quần áo cho. Tui chỉ ước có đủ tiền mua quần áo cho 5 đứa con” - chị Điệp nói.
Khi được hỏi về cảm xúc đưa con tới nhận học bổng, chị Điệp tươi cười kể: “Tui vui lắm, tiền học bổng bằng mấy ngày công vợ chồng tôi đi làm mướn. Sáng nay, tui mượn tiền mua cho đứa con nhỏ bộ quần áo mới để đi nhận học bổng cho đẹp”.
Cùng niềm vui như chị Điệp là bà Phạm Thị Sơn (62 tuổi, trú tại xã Hỏa Tiễn, TP Vị Thanh) đưa cháu V.H.K đang học lớp 6 tới nhận học bổng từ lúc 6 giờ 30 sáng. Bà Sơn cho biết 2 bà cháu đi từ nhà lúc 5 giờ 30 vì đường xa nên “đi sớm cho mát”.
Kể về gia đình, bà Sơn cho biết mẹ cháu K bỏ đi từ khi cháu còn nhỏ. Cháu ở với ông bà. Cuộc sống mỗi ngày đều dựa vào tiền công đi làm rẫy mướn của cha cháu và của bà, mỗi ngày cũng được khoảng 200.000 đồng.
“Bữa trước nghe nói cháu được nhận học bổng mà tui mừng lắm, được các thầy cô và nhà hảo tâm hỗ trợ cho cháu làm tui rất vui. Dù cuộc sống có khó khăn, cực khổ nhưng nhìn thấy cháu lớn lên, được tiếp sức đến trường thì dù có vất vả, tui cũng ráng để cháu học hành cho nên người và mong tương lai bớt khổ hơn” - bà Sơn tâm sự.
Với khuôn mặt hạnh phúc khi ngồi tâm sự cùng các phụ huynh khác trước giờ nhận học bổng, ông Trương Quốc Hạnh, 58 tuổi, trú tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là ông ngoại của em T.Q.H đang học lớp 8 cho biết: “Tui hồi hộp quá, lâu lắm rồi tôi mới lại đi xa khỏi nhà và đến hội trường tỉnh lớn thế này. Tui vừa vui vừa hồi hộp khi nhận được số tiền lớn, lại được đi biết đây biết đó. Tui xin cám ơn chương trình, cám ơn các nhà hảo tâm đã yêu thương, chia sẻ cho cháu tui thêm niềm vui tới trường”.
Được biết, ông Trương Quốc Hạnh hàng ngày đi phụ hồ, mỗi ngày được 250.000 để nuôi 3 người cháu, trong đó có cháu T.Q.H và 1 người em học lớp 2. Cha mẹ em T.Q.H chia tay từ lâu, mẹ làm công nhân trên Bình Dương rồi lấy chồng khác, bỏ lại 2 đứa con cho ông bà ngoại nuôi nấng, chăm sóc.
Hành trình 30 năm nỗ lực phụng sự xã hội, chăm sóc, bảo vệ trẻ em
Chia sẻ tại buổi trao học bổng, ông Lâm Bình Vũ, Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty Tân Hiệp Phát nhấn mạnh: “Trong hành trình phụng sự xã hội suốt 30 năm qua của Tân Hiệp Phát, bên cạnh phát triển các sản phẩm chất lượng, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không ngừng tái đầu tư, tạo việc làm và đóng góp cho ngân sách nhà nước, Tân Hiệp Phát cùng các đối tác luôn tiên phong trong các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người dân địa phương và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi luôn được công ty thực hiện từ ngày đầu thành lập.
Trong đó, trẻ em, đặc biệt là các em nhỏ giàu nghị lực vượt khó vươn lên là đối tượng luôn nhận sự quan tâm đặc biệt của chúng tôi với mong muốn chung tay, lan tỏa tình yêu thương đến xã hội và ươm mầm cho thế hệ tương lai của đất nước”, ông Lâm Bình Vũ cho biết.
Được biết cách đây 1 năm, Công ty Tân Hiệp Phát cũng đã phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ, các cơ quan chính quyền tỉnh Hậu Giang trao tặng 150 phần học bổng cho các em học sinh giàu nghị lực, giúp tiếp thêm năng lượng, tinh thần cho các em có thêm động lực rèn luyện, học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Chí Nghề - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang cho biết rất xúc động khi có nhiều em học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn, lại bị bệnh tật, mỗi em đều có những hoàn cảnh riêng song đều cố gắng vượt qua khó khăn để đạt thành tích cao trong học tập, là chủ nhân tương lai đại diện cho thế hệ trẻ năng động và đầy nghị lực của đất nước.
“Đây là năm thứ 2 các em học sinh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Công ty Tân Hiệp Phát. Chúng tôi xin ghi nhận, cảm ơn ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ nhân viên đã đồng hành, tài trợ 350 suất học bổng trị giá trên 500 triệu đồng trong 2 năm qua. Đây là những suất học bổng rất thiết thực, ý nghĩa giúp các em vượt khó, hỗ trợ 1 phần chi phí học tập giúp các em có thêm niềm tin, động lực đến trường, góp phần phát triển nền giáo dục của tỉnh nhà” - ông Nguyễn Chí Nghề bày tỏ.
Với phương châm “Dành những điều tốt đẹp nhất cho thiếu nhi”, vào đầu năm học vừa qua, đặc biệt là trong dịp Trung thu, Công ty Tân Hiệp Phát đã trao tặng hơn 50.000 bánh trung thu tổng giá trị hơn 900 triệu đồng đến các em thiếu nhi, học sinh từ khắp các tỉnh thành từ Cà Mau tới tận Lạng Sơn, đặc biệt là cho các em thiếu nhi tại các khu vực khó khăn, vùng ảnh hưởng bởi bão lũ.
“Đối với Tân Hiệp Phát, chăm sóc trẻ em không phải là hoạt động từ thiện mà là trách nhiệm với cộng đồng nói chung, trẻ em nói riêng và nghĩa vụ phụng sự xã hội, là giá trị cốt lõi mà chúng tôi đặt ra ngay từ ngày đầu thành lập” - ông Lê Bình Vũ - đại diện Công ty Tân Hiệp Phát chia sẻ.
Đó cũng là triết lý mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ lựa chọn để khẳng định sự trọn vẹn trong cam kết hoạt động có trách nhiệm với cộng đồng nói chung, trẻ em nói riêng và phụng sự xã hội.