Tận mắt xem kỹ thuật thiến gà của đồng bào Tày, Nùng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến gà thiến, người ta thường nghĩ chỉ có ở vùng nông thôn phía Bắc hoặc nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Tuy nhiên, khi vào Nam lập nghiệp, đồng bào Tày, Nùng vẫn giữ được kỹ thuật thiến gà nhằm kiếm ít tiền và truyền cho con cháu để không bị mai một.

Thiến gà chuẩn bị cho Tết Nguyên đán

Những ngày cuối tháng 5 âm lịch, nhiều gia đình ở các tỉnh Tây Nguyên hoặc miền Đông Nam Bộ bắt đầu chọn những chú gà trống vừa biết gáy hoặc nặng khoảng 1kg trở lên để thiến, nhằm chuẩn bị cho mâm cỗ cúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Ông Công Văn Hái thiến gà theo kiểu thiến bụng. Clip: Tân Tiến.

Ông Nguyễn Quốc An (SN 1956, người dân tộc Tày, ngụ ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết, để thiến gà có 2 cách: thiến hậu môn (thiến bụng, cách hậu môn con gà khoảng 3-4cm) và thiến sườn (thiến dưới cánh gà). Mỗi lần thiến 1 con gà, mất khoảng 3-4 phút.

Cũng theo ông An, để thiến gà cần một bộ dụng cụ, gồm: cái nhíp được mài sắc một đầu, hoặc lưỡi lam dùng để rạch nơi cần lấy kê gà hay ngọc kê gà (tinh hoàn của gà trống); đôi đũa làm bằng que tre dài khoảng 15cm, 2 đầu buộc bởi 1 sợi cước dùng để gắp tinh hoàn của gà. Một que tre nhọn đầu; một thanh tre dẻo dài khoảng 30cm, ở mỗi đầu thanh tre buộc 1 miếng thép nhỏ dùng để sau khi rạch một đường trên thân gà, nhét hai miếng thép vào vết rạch nhằm tạo khoảng hở để đưa đũa vào gắp 2 quả tinh hoàn; 1 cái đèn pin để soi khi gắp tinh hoàn gà.

Ông Công Văn Hái thiến gà cho một người dân. Ảnh: Tân Tiến.
Ông Công Văn Hái thiến gà cho một người dân. Ảnh: Tân Tiến.

“Thiến bụng là kiểu thiến phổ biến. Sau khi dùng vật sắc nhọn hoặc lưỡi lam chọc (cắt) thủng màng bụng gà trống, lúc này thò ngón tay vào sâu về hướng của lưng con gà. Khi đã dò được 2 quả tinh hoàn, dùng ngón tay kéo ra ngoài. Tinh hoàn của gà trống màu trắng, to hơn hạt đậu nành. Sau khi lấy 2 quả tinh hoàn, người thiến dùng chỉ may quần áo để may vết mổ trên thân con gà”, ông An nói.

Do kiểu thiến bụng thường làm con gà mất nhiều máu, nên tỉ lệ sống của gà thiến chỉ khoảng 70%. Hiện nay người dân ít thiến bụng, mà dùng kiểu thiến sườn.

Để thiến sườn, đầu tiên cũng phải nhổ những sợi lông dưới cánh gà (cách xương sống khoảng 1-2cm, giữa xương sườn thứ 1 và 2). Tiếp đến, dùng đầu sắc của cây nhíp hoặc lưỡi lam rạch vào thân gà một đường dài 2-3cm, dùng thanh tre có buộc 2 miếng thép nhét vào chỗ vừa rạch để căng vết mổ ra. Sau đó dùng que tre nhọn đầu chọc vào vết vừa rạch để khoét lớp màng dưới lớp thịt gà, dùng đầu sắc của nhíp cắt cho rộng lớp màng.

Gà trống thiến giá đắt gấp đôi gà thường

“Tinh hoàn của gà trống rất trơn, dùng nhíp để gắp thường hay bị tuột, vì vậy lúc này người thiến gà mới sử dụng đôi đũa có buộc sợi cước ở 2 đầu, thò vào chọc đứt phần màng dính tinh hoàn với thân con gà, siết sợi cước lại gắp tinh hoàn gà ra. Sau khi thiến và khâu lại vết rạch trên thân con gà, khoảng 1-2 tiếng sau mới cho gà ăn để nó lấy lại sức”, ông Nguyễn Quốc An chia sẻ.

Kê gà có màu trắng, to hơn hạt đậu nành, ăn rất bổ. Ảnh: Tân Tiến.
Kê gà có màu trắng, to hơn hạt đậu nành, ăn rất bổ. Ảnh: Tân Tiến.

Về giá gà trống thiến, theo chị Nguyễn Thị Hoàng (SN 1985, ngụ xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), hiện tại có giá từ 150.000-170.000 đồng/kg, vào dịp Tết Nguyên đán, giá từ 220.000-260.000 đồng/kg (trong khi gà thả vườn chỉ từ 100.000-120.000 đồng/kg). Con gà trống thiến nào càng to, càng nặng ký thì giá càng cao vì phải nuôi rất lâu, từ lúc gà nở đến khi gà đủ tuổi để thiến, và nuôi sống đến 4kg trở lên, mất khoảng 12 tháng.

“Từ thời điểm con gà trống bị thiến, nó không còn gáy và không hung hăng như trước. Do không thể đạp mái nên người dân thường dùng để cúng vào dịp Tết Nguyên đán hoặc biếu cho người quen. Đối với những người chuyên nuôi gà trống thiến để kinh doanh, người ta thường cho ăn cám, do đó gà mau lớn nhưng thịt bị nhão và trắng. Còn gia đình nào nuôi để cúng thì thường cho gà ăn bắp, khi luộc lên thịt gà trống thiến có màu vàng óng rất đẹp, thịt ngọt, da rất giòn”, chị Hoàng cho biết.

Một thợ thiến gà theo phương pháp thiến sườn. Clip: Tân Tiến.

Còn theo ông Nghiệp Quang Bạch (SN 1963, ngụ ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú), có nhiều người rất thích ăn thịt gà trống thiến, nhưng lại không biết kỹ thuật thiến nên thường rước “thợ” về nhà thiến gà trong vườn. Hiện nay, giá thuê để thiến 1 con gà trống là 20.000 đồng. Ở xã Tân Phước có ông Công Văn Hái thường thiến gà cho bà con, nhưng ít khi nhận tiền mà chỉ uống chầu rượu cho vui. Còn bên xã Tân Hưng, vào mùa này có nhiều thợ “thiến gà”, mỗi ngày có thể kiếm được từ 200.000-500.000 đồng nhờ đi thiến thuê.