70 năm giải phóng Thủ đô

Tăng chỉ số niềm tin

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong năm vừa qua, công tác dân vận trên cả nước cũng như TP Hà Nội tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, tạo ra những điểm nhấn nổi bật.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân xã Song Phương, huyện Hoài Đức đồng lòng nhận tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Minh Anh
Nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân xã Song Phương, huyện Hoài Đức đồng lòng nhận tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Minh Anh

Lấy hiệu quả làm thước đo

Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đồng thời phải động viên, tổ chức Nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện, mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

Như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: “Các chủ trương, chính sách có hay đến đâu mà không đi vào nhận thức, tình cảm, quyết tâm của Nhân dân thì chưa đạt yêu cầu. Người làm công tác dân vận phải nắm sát tình hình Nhân dân một cách chính xác, khoa học, đúng bản chất vấn đề".

Thực tế cũng khẳng định, làm tốt công tác dân vận chính là làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng công tác dân vận chính quyền, bởi đây là nơi quyết định cũng là nơi thực hiện chính sách pháp luật, phải nâng cao đạo đức công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ người dân và DN.

Nhìn từ Hà Nội năm vừa qua có thể thấy, từ những việc làm cụ thể trong hoạt động và giải quyết công việc hằng ngày để phục vụ người dân, DN tốt hơn, qua đó công tác dân vận chính quyền đang được các cấp, các ngành của Hà Nội tập trung thực hiện. Nội dung và phương thức tiến hành công tác dân vận được tăng cường, đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, đẩy mạnh đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong Nhân dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong năm qua, toàn TP có 9.608 mô hình “Dân vận khéo” được triển khai và ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm; tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội… Đặc biệt là “Dân vận khéo” trong thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, triển khai các dự án trọng điểm TP; chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh an toàn, trật tự trên địa bàn TP...

Không chỉ nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, lãnh đạo các cấp cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, chân thành lắng nghe, giải quyết kịp thời những bức xúc, vụ việc khiếu kiện, tiêu cực, tham nhũng mà người dân quan tâm; khắc phục hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính gây phiền hà, cản trở cho người dân, DN và xã hội. Hình ảnh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp từ TP đến cơ sở đi kiểm tra thực tế, đối thoại trực tiếp với đại diện các tầng lớp Nhân dân đã để lại những ấn tượng đẹp, góp phần quan trọng để TP thực hiện được các mục tiêu đề ra.

Không hình thức

Trong công tác dân vận, việc đổi mới phương pháp triển khai các mô hình “Dân vận khéo” được chú trọng đã tạo sức lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... và phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội...

Điển hình như các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã giúp tuyên truyền, vận động nông dân hiến đất mở đường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội phát huy hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Trong năm 2023, việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tiếp tục được TP Hà Nội đặt ra. Trong đó, đẩy mạnh công tác dân vận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP, nhất là Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; công tác GPMB, triển khai dự án đường Vành đai 4, các dự án trọng điểm của TP, giải ngân đầu tư công, thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập... “Phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực nhưng cũng phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương”, như lãnh đạo TP đã nhấn mạnh.

Trên cơ sở kết quả đã có, yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác dân vận, hướng mạnh về cơ sở, gần dân, sát dân hơn. Qua dân vận, để cán bộ, đảng viên trọng dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Tạo ra chuyển biến thật sự trong công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân một cách khoa học, thực chất để kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề bức xúc trong đời sống.