Tăng công khai để phòng, chống tham nhũng

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các cơ chế phòng ngừa từ đội ngũ cán bộ, công chức là những giải pháp đang được các cấp, các ngành của TP Hà Nội thực hiện hiệu quả thời gian qua, để phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.

Tại huyện Đông Anh, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, huyện đã thành lập tổ công tác để thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các đơn vị, địa phương. Đồng thời, tăng cường việc công khai, minh bạch các nội dung có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng, như chủ trương đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư tại cộng đồng. Người đứng đầu cấp ủy thường xuyên đối thoại, tiếp công dân, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân.
 Đại biểu HĐND và lãnh đạo UBND quận Long Biên tiếp công dân có đơn kiến nghị phản ánh.  
Cùng để đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, quận Tây Hồ đã tăng cường công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, chế độ; công khai công tác cán bộ, nhất là trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng. Đồng thời, mọi hoạt động quản lý hành chính, nhất là trong công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được công khai, cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, cải cách hành chính… đã tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa các vi phạm. Quận cũng tiến hành các đoàn kiểm tra đột xuất về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng…, kịp thời phát hiện một số sai phạm, sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh ngay.
Với cấp TP, trong năm qua, Hà Nội cũng tập trung thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải quyết kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Qua đó, cũng đã phát hiện các vi phạm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 8 vụ vi phạm (đã chuyển hồ sơ 5 vụ).
Đồng thời, các cơ quan hành chính TP đã tiếp hơn 26.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trong đó, tiếp trên 250 lượt đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý trên 31.000 đơn các loại; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 30 tập thể, 23 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hai vụ.
TP cũng yêu cầu các đơn vị tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, DN phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại (như lắp đặt camera giám sát, đặt hòm thư góp ý, lịch tiếp công dân, thông tin công khai đường dây nóng, số điện thoại lãnh đạo cơ quan tại các trụ sở cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công) để tăng tính minh bạch, giúp công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả cao hơn.
Để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và đưa vào triển khai chuyên đề “Công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, DN trong giải quyết công việc trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó, nêu rõ thực trạng trong từng lĩnh vực như giải quyết thủ tục hành chính, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuế, hải quan và cả trong công tác thanh tra, kiểm tra, hoạt động tư pháp.
Đồng thời đưa ra một số giải pháp cụ thể như tăng cường công tác cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ và xây dựng cơ chế giám sát, phòng ngừa của các cơ quan chức năng, MTTQ và các cơ quan báo chí.
Năm 2020, TP tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó xác định phòng ngừa là chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, hành vi bao che, ngăn cản việc chống tham nhũng, tiêu cực…Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng…