Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ngành xây dựng

Doãn Thành ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, thị trường xây dựng phát triển mạnh mẽ. Trình độ của người thợ Việt Nam theo đó cũng phát triển vượt bậc. Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cũng chỉ rõ thêm một số vấn đề cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới để nâng chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng.

 Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp
Ông đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam hiện nay?

- Cả nước hiện có khoảng 78.000 DN hoạt động trong ngành xây dựng (gồm các thành phần kinh tế), với khoảng 4 triệu lao động, thực tế có thể lớn hơn nhiều. Nhưng số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%; số thợ bậc cao (bậc 6, 7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành xây dựng. Đáng nói hơn nữa là cơ cấu bình quân hiện nay ở Việt Nam giữa kỹ sư - trung cấp chuyên nghiệp - công nhân học nghề lần lượt tương ứng tỷ lệ 1 - 1,3 - 0,5. Trong khi ở các nước trên thế giới bình quân là 1 - 4 - 10. Tỷ lệ này phản ánh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ tại Việt Nam.

Cơ cấu nguồn nhân lực như vậy có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của ngành, thưa ông?

- Khảo sát thực tế cho thấy năng lực, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân lao động chuyên ngành được đánh giá là vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng người được đào tạo nghề có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành và không cân đối giữa các trình độ đào tạo. Mức độ thành thạo, tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp chưa cao. Nhiều nơi, nhiều lúc một bộ phận lao động ngành xây dựng chưa đáp ứng với yêu cầu trình độ công nghệ và tốc độ phát triển sản xuất của ngành.

Vậy theo ông, để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu phát triển của thời kỳ mới cần phải làm gì?

- Để phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng cả về số lượng và chất lượng cao, cần phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời tăng cường giải pháp đào tạo nội dung yêu cầu theo địa chỉ, cơ chế đặt hàng để cả cán bộ và công nhân ra trường là có việc làm ngay chứ không phải đào tạo lại. Cùng với đó, cần tăng cường các khóa học đào tạo cập nhật kiến thức mới. Đối với trường dạy nghề, cần có cơ chế chính sách, nguồn kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, phục vụ cho giảng dạy sát với yêu cầu thực tế; tạo cơ chế chính sách đãi ngộ với các thợ bậc cao, thợ cả truyền nghề cho lớp trẻ.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần