Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.
Thi hành kỷ luật 194 tổ chức đảng và 3.465 đảng viên
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2021, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện toàn diện, có nhiều chuyển biến mới, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Theo đó, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 51.620 tổ chức đảng và 272.512 đảng viên. Nội dung kiểm tra chủ yếu về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và công tác cán bộ. UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.005 tổ chức Đảng và 8.982 đảng viên.
Qua kiểm tra, kết luận có 1.575 tổ chức Đảng và 6.695 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 194 tổ chức Đảng và 3.465 đảng viên. UBKT các cấp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 28.925 tổ chức đảng, UBKT Trung ương kiểm tra đối với 28 tổ chức đảng. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư, đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại….
Ngoài ra, công tác thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên được thực hiện chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng người, đúng vi phạm, có tình, có lý, có tác dụng giáo dục, răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình. Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức Đảng và 16.794 đảng viên; UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 3.463 đảng viên.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời đơn thư, KNTC. Công tác xây dựng ngành tiếp tục được quan tâm; UBKT các cấp được kịp thời kiện toàn, tổ chức bộ máy cơ quan UBKT các cấp tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh giản, hiệu quả.
Trong năm 2022, UBKT T.Ư sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số quy định, hướng dẫn, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, đảm bảo khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của UBKT cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao…
Linh hoạt trong thực hiện kiểm tra, giám sát
Tại Hội nghị, nhiều tham luận của các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc làm rõ thêm những kết quả đạt được của các địa phương, đơn vị cũng như những mặt còn hạn chế, bất cập. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của địa phương, đơn vị.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, năm 2021, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy đảng của Hà Nội thực hiện và hoàn thành vượt kế hoạch. Các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy có nhiều đổi mới về nội dung, linh hoạt trong phương thức, quy trình thực hiện; việc đánh giá, kết luận các cuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bài bản và chất lượng hơn, đúng quy định…
Đối với kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật năm 2021, Hà Nội đã kiểm tra đối với 1.966 tổ chức Đảng, 397 đảng viên và giám sát 459 tổ chức đảng, 1.239 đảng viên). Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thực hiện 2 cuộc kiểm tra và 1 cuộc giám sát. Ngoài ra, Hà Nội thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ do Ủy ban Kiểm tra T.Ư giao. Năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng và 1.058 đảng viên.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Triển khai thực hiện và hoàn thành kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 đảm bảo chất lượng, hiệu quả; chú trọng kiểm tra, giám sát các nội dung như việc thực hiện quy chế làm việc; nguyên tắc tập trung dân chủ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ TP. Trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề, coi trọng giám sát chuyên đề để phát hiện những tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm hoặc có khuyết điểm để kịp thời ngăn chặn, cảnh báo sớm, phòng ngừa từ xa. Chủ động phối hợp với các cơ quan khối nội chính trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, không “chờ ” kết luận của các cơ quan thanh tra, điều tra theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng nêu kiến nghị Trung ương nghiên cứu có thể cho phép áp dụng chung mỗi phòng nghiệp vụ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng và trên nguyên tắc không làm tăng biên chế cơ quan được giao.
Mỗi đảng viên đều phải “khép mình” vào kỷ luật, kỷ cương của Đảng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá, qua công tác kiểm tra của Đảng đã góp phần không nhỏ làm chuyển biến, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng; giúp cho môi trường xã hội thêm lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, qua kiểm tra, giám sát, ngành đã phát hiện những vấn đề còn bất cập, sơ hở trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời. Nhiều địa phương, đơn vị sau kiểm tra đã quyết tâm khắc phục sai phạm, siết chặt đội ngũ, các phong trào của địa phương, đơn vị có nhiều chuyển biến, mang lại kết quả rõ rệt.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tiếp tục nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; cán bộ, đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; mỗi đảng viên đều phải “khép mình” vào kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật. Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng và xã hội, trước hết là trong cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về công tác kiểm tra Đảng nhằm giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Ngoài ra, đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên với phương châm: “Giám sát phải mở rộng để phát hiện, nhắc nhở, phòng ngừa xảy ra vi phạm từ sớm, từ xa, không để khuyết điểm, vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, kéo dài”. Xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
“Việc xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trong từng thời kỳ. Thực hiện đồng bộ việc kiểm tra và giám sát, chú trọng những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Tập trung kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm. Thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là những người đứng đầu, cán bộ chủ chốt khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, những nơi mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc, điều lệ của Đảng. Nghiên cứu, lựa chọn lĩnh vực điển hình để tập trung thực hiện việc kiểm tra, giám sát” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới; nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước. Phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan kiểm tra và các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử trong công tác điều tra, xét xử. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị, truyền thông báo chí và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác kiểm tra. Cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phải có bản lĩnh bảo vệ cái đúng, đấu tranh chính trực và bản thân phải “liêm, sạch”, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép, sự cám dỗ mua chuộc; thực sự công tâm, khách quan. Coi trọng công tác kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra…