Đây là vấn đề được chỉ ra trong Kết luận phiên chất vấn của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra ngày 12/5/2023.
Doanh nghiệp, người dân nhận hỗ trợ chưa thuận lợi
Theo đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND thành phố, giám đốc Sở và lãnh đạo UBND quận, huyện, Thường trực HĐND thành phố thống nhất: Nội dung trả lời của người được chất vấn cơ bản đúng trọng tâm, làm rõ nguyên nhân, những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra một số giải pháp, cam kết về lộ trình, thời hạn khắc phục trong thời gian tới. Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn có sự tranh luận, trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm với quan điểm đi đến cùng vấn đề được chất vấn.
Thông qua phiên họp chất vấn cho thấy, mức tăng trưởng trung bình của ngành nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2,53%; giai đoạn 2021-2022 đạt trên 3%, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 2,5- 3,0% của nhiệm kỳ 2021-2025. Đến thời điểm phiên họp chất vấn, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 383/383 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua phiên chất vấn của Thường trực HĐND thành phố và báo cáo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố như: Việc triển khai quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch chung của thành phố chưa rõ nét, chưa có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ, lộ trình đề ra; Nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế nông nghiệp chưa được các cơ quan hướng dẫn, kiểm tra, xử lý kịp thời và đề xuất tháo gỡ về thủ tục đất đai, xây dựng, quản lý vệ sinh môi trường”...
Ngoài ra, việc phối hợp giữa các sở, ngành của thành phố và UBND quận, huyện, thị xã trong hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tiếp cận và nhận hỗ trợ theo các cơ chế, chính sách còn nhiều thủ tục, chưa thuận lợi, kết quả cũng chưa cao.
Xây dựng cơ chế phát triển nông nghiệp Thủ đô
Trên cơ sở kết quả chất vấn, Thường trực HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố, các cấp, các ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc vai trò, ý nghĩa, yêu cầu của phát triển nông nghiệp, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả cao, chuyên canh tập trung, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; Chỉ đạo khẩn trương rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô giai đoạn đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo gắn với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp để tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kịp thời triển khai và hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương và thành phố chưa được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả. Chỉ đạo xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá của các hoạt động liên quan đến xây dựng hạ tầng, chi phí sản xuất trong nông nghiệp để làm căn cứ cho việc xác định mức hỗ trợ.
Chỉ đạo rà soát các dự án, công trình xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp đã và đang triển khai để lập phương án khai thác hiệu quả; Tăng cường công tác quản lý đất đai và rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn thành phố (gồm đất nông nghiệp đã giao theo Nghị định 64, đất nông nghiệp công ích, đất bãi ven sông, đất sử dụng vào mục đích kinh tế trang trại, đất phát triển nông nghiệp kết hợp dịch vụ sinh thái...); kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới.
Cùng đó, tập trung hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô, trong đó đặc biệt quan tâm xác định phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đồng thời công bố, công khai các đồ án quy hoạch để các địa phương và doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.