Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu: Đánh giá kỹ tác động

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) đã thảo luận về những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Trong đó, có nên mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là nội dung được đặc biệt quan tâm.
Tăng giờ làm thêm sao cho hợp lý
Việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) có hai luồng quan điểm khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, mục tiêu của chúng ta từ xưa đến nay là tăng lương giảm giờ làm. Tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, trình độ quản lý của DN ngày càng tốt lên. Vậy tại sao phải tăng giờ làm? Do đó, chỉ nên tăng giờ làm trong những thời điểm Nhà nước phát động vì mục tiêu nào đó, phong trào thi đua nào đó.
“Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm, nguyện vọng của đa số người lao động là được giảm chứ không phải tăng giờ làm nên cần đánh giá tác động của đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa đến tâm tư, nguyện vọng người lao động” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn
Đồng tình với quan điểm này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích, thực tế cả người lao động và sử dụng lao động đều có nhu cầu làm thêm giờ nhưng việc đó sẽ làm lợi cho giới chủ nhiều hơn.
Dẫn cảnh báo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về tình trạng không thanh, kiểm tra thường xuyên dễ dẫn đến hiện tượng lợi dụng, vi phạm quy định về tăng giờ làm thêm phổ biến như hiện nay, Trưởng ban Dân nguyện lo ngại, hệ quả của việc đó sẽ làm kiệt quệ sức khỏe người lao động.
Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đồng tình phương án Chính phủ trình là nới khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, mục tiêu của chúng ta là cải thiện đời sống cho người lao động nhưng phải phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn, người lao động cần đồng cam cộng khổ với DN để vượt qua giai đoạn này.
“Đây chưa phải lúc để thực hiện tăng lương giảm giờ làm. Điều này chỉ có thể thực hiện khi nền kinh tế phát triển tốt hơn trong tương lai" - ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm. Về việc tăng giờ làm thêm rất có ý nghĩa đối với các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, Chủ tịch VCCI đề nghị giữ mức tiền công làm thêm như quy định hiện hành, không quy định tăng lũy tiến.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hiện chúng ta có nhiều ngành nghề, lĩnh vực phải làm theo mùa vụ như dệt may, thủy sản… nhưng đây cũng là cá biệt. Như vậy, trong Dự thảo Bộ Luật phải quy định rõ là những ngành, nghề nào được tăng giờ làm và cụ thể trong ngày, trong tuần được làm thêm tối đa bao nhiêu giờ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định, Bộ Luật Lao động xây dựng không phải chỉ cho năm 2019 hay cho 6 tháng tới mà hoạch định cho cả giai đoạn dài, do đó không nên đặt vấn đề về cần tăng giờ làm bởi dấu hiệu chững lại của nền kinh tế hiện nay.
Tăng tuổi hưu, cần tham vấn rộng rãi
Về việc tăng tuổi nghỉ hưu, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vẫn có những quan điểm khác nhau quanh phương án do Chính phủ trình, quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.
Nhưng đến nay, Chính phủ vẫn chưa bổ sung tài liệu làm rõ những kiến nghị về danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 năm theo quy định; chưa đưa ra được cơ sở, bằng chứng khoa học để quy định về khoảng cách tuổi nghỉ hưu (2 tuổi) giữa lao động nam và lao động nữ.
“Quá trình lấy ý kiến cũng cho thấy, dư luận người lao động chưa có sự đồng thuận cao về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đòi hỏi cần có thời gian để tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau” – bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, đến 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60 chứ không phải tăng ngay.
“Không phải chúng tôi làm luật này để chúng tôi ở lại, không phải cho những người đương chức để kéo dài thời gian làm việc” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị cách làm rõ ràng, bước đi thận trọng và cần thiết phải đánh giá tác động với từng đối tượng cụ thể để báo cáo, thuyết minh trình Quốc hội.

Hôm nay, hơn 10 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn

Hôm nay, ngày 15/8, Phiên họp thứ 36 của UBTV Quốc hội dành một ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTV Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Tham gia trả lời có các Bộ trưởng Bộ: KH&ĐT, NN&PTNT, TT&TT, Tư pháp, Công an, Xây dựng, KH&CN, LĐTB&XH, Tài chính, Công Thương, GTVT, khối tư pháp... Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu và trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đây là chất vấn hậu giám sát, không phải chất vấn theo nhóm vấn đề nên đại biểu hỏi lãnh đạo ngành nào, người đó sẽ giải trình. Việc chất vấn vẫn thực hiện theo hình thức hỏi nhanh (một phút), đáp gọn (3 phút).