Tăng học phí: Trường lạc quan, sinh viên lo lắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cho người học đạt chuẩn đầu ra theo cam kết, trong năm nay, Đại học Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân và tới đây là ĐH Ngoại thương Hà Nội sẽ thực hiện mức thu học phí lên tới 14 triệu đồng.

Học phí tăng mạnh

Theo Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mức thu học phí chương trình đại trà, trình độ ĐH năm học 2014 - 2015 tối đa là 9,5 triệu đồng/sinh viên (SV)/năm, năm học 2015 - 2016 tăng lên 11,5 triệu đồng và năm học 2016 - 2017 là 13,5 triệu đồng. Tương tự, ĐH Hà Nội dự kiến mức thu học phí bình quân tối đa năm học 2014 - 2015 là 7,8 triệu đồng/SV/năm, năm học 2015 - 2016 tăng lên 12 triệu đồng và năm học 2016 - 2017 là 14 triệu đồng.
Sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân trên giảng đường.         Ảnh: Phạm Hùng
Sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân trên giảng đường. Ảnh: Phạm Hùng
Học phí tăng cao khiến nhiều SV của các trường này “kêu trời”, nhất là những em sống xa gia đình, phải thuê nhà trọ. Nguyễn Thu H. - SV năm thứ nhất, khóa 56 khoa Tiếng Anh thương mại, ĐH Kinh tế Quốc dân than thở: “Nhà trường tăng học phí đồng nghĩa với việc chúng em gặp khó khăn nhiều hơn. Nhà em ở quê, bố mẹ làm ruộng, thu nhập không ổn định. Ngoài tiền phí ký túc xá 200.000 đồng/tháng, mỗi tháng bố mẹ gửi 1,2 triệu đồng để em chi tiêu các khoản từ ăn uống, quần áo cho đến đóng góp quỹ lớp… Giá cả ngày càng tăng, mỗi tuần em đi dạy gia sư một buổi được 100.000 đồng, chẳng đủ chi tiêu”. Đây cũng là quan điểm được nhiều SV khác đồng tình.
Tuy nhiên, nhiều SV ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Hà Nội lại cho rằng, việc tăng học phí trong điều kiện hiện nay là hợp lý. Điều này sẽ giúp các trường có thêm kinh phí để nâng cao chất lượng đào tạo, bởi “cơ sở vật chất của nhà trường rất kém. Phòng học máy chiếu, màn hình không hỏng thì máy chiếu hư; phòng học máy tính, hầu như các máy móc không sử dụng được; phòng học tiếng nhưng thực tế SV toàn phải nghe đài; giờ học môn viết luận Tiếng Anh, SV phải mang laptop đến để sử dụng” – Ngô Thanh Ng. - SV Đại học Hà Nội than phiền.

Mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo

Với đề án của những trường được tự chủ hoàn toàn, SV năm thứ nhất của năm học 2015 - 2016 sẽ phải đóng mức học phí cao nhất. Việc này ảnh hưởng đến lựa chọn của nhiều gia đình năm nay có con đăng ký xét tuyển vào các trường được tự chủ tài chính hoàn toàn. Chị Nguyễn Thị Bình (quận Thanh Xuân) cho hay, gia đình chị tính hướng con học vào ĐH Hà Nội, nhưng vừa rồi hay tin học phí lên tới 12 triệu đồng/năm, chưa kể các khoản đóng góp, nên sẽ phải cân nhắc. “Tôi làm phục vụ ở bệnh viện chỉ được 4 triệu đồng/tháng, chồng đang thất nghiệp, nếu con tôi vào trường này, không biết sẽ phải xoay xở làm sao” – chị Bình cho hay. Mức học phí tăng cũng khiến nhiều học sinh chuyển hướng đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào trường ĐH. Nguyễn Hoàng Anh - học sinh lớp 12C, trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) cho biết, em dự tính học khối B vào một trường quân đội và khối D vào ĐH Hà Nội. “Tuy nhiên, em sẽ không đăng ký vào ĐH Hà Nội, trong đó có lý do học phí quá cao. Bố mẹ em làm ruộng, thu nhập thấp nên không đủ khả năng cho em học trường này. Hơn nữa, học phí cao liệu có bảo đảm chất lượng tăng?” - Hoàng Anh đặt câu hỏi.

Về việc này, ông Đặng Đình Cung - Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Hà Nội cho biết, từ năm 2008, trường đã thực hiện tự chủ tài chính. Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ hoàn toàn là điều kiện tốt để trường nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp các dịch vụ tốt nhất theo yêu cầu. Từ năm 2012, chương trình đào tạo đã được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu người học và sử dụng nguồn nhân lực. Sắp tới, trường tiếp tục điều chỉnh để cung cấp cho SV kiến thức, kỹ năng khi ra trường đáp ứng chuẩn mực quốc tế. “Khóa học năm 2014 – 2015, trường điều chỉnh tăng không quá 30%. Tuy rằng trường tăng học phí nhưng chưa đủ lấy thu bù chi vì đặc thù là trường thực hành, số lượng SV/lớp học ít, thì số giờ dạy tăng lên. Vì vậy, nhà trường phải trông vào nguồn hoạt động khác để lấy ngắn nuôi dài”.

Chắc chắn mức học phí tăng cao sẽ tác động đến hoạt động tuyển sinh của các trường được tự chủ hoàn toàn. Ảnh hưởng nhiều hay ít phải đợi đến lúc tuyển sinh mới biết. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đều lạc quan cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều, bởi với chất lượng đào tạo đảm bảo, môi trường thân thiện, SV ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ cao là thế mạnh và uy tín thu hút SV. Hơn nữa, học phí cao nhưng nhà trường vẫn đảm bảo SV có hoàn cảnh khó khăn, SV thuộc đối tượng chính sách có cơ hội được tiếp cận chương trình đào tạo của trường.