Đây là quan điểm của TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Bảo hiểm xã hội – BHXH Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024.
Hai phần tăng lương hưu
Thưa ông, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, từ ngày 1/7/2024, sẽ điều chỉnh tăng lương hưu. Theo ông, nên tăng lương hưu cùng một tỷ lệ cho tất cả người hưu trí hay có các mức khác nhau?
- Trước đây, tôi đã nghiên cứu chuyên đề về cả một quá trình tăng lương hưu. Theo đó, từ năm 1995 đến hết năm 2023, đã có 23 lần điều chỉnh lương hưu, với tốc độ tăng trên 100%.
Tôi đã có đề xuất khi điều chỉnh tiền lương hưu tăng thêm cho người nghỉ hưu nên có hai phần: Phần tăng lương hưu thứ nhất là đảm bảo giữ giá trị của đồng lương hưu. Ví dụ, năm nay người có lương hưu 3.000.000 đồng nhưng sang năm do lạm phát tăng 5%, việc điều chỉnh lương hưu phải đảm bảo được giá trị đồng tiền lương, tức là tăng lương hưu vượt qua được chỉ số tiêu dùng trượt giá đó. Phần tăng lương hưu thứ hai là sự phân phối lại của nền kinh tế quốc dân do tốc độ tăng trưởng kinh tế đối với những người có lương hưu thấp.
Ông có thể nói rõ hơn về phần tăng lương hưu thứ hai đối với những người có lương hưu thấp?
- Phần tăng lương hưu thứ hai theo sự phân phối lại của nền kinh tế quốc dân nên được xem xét hài hòa để đảm bảo cải thiện đời sống của người nghỉ hưu. Bởi hiện nay có người lương hưu 140 triệu đồng, nếu ngày 1/7 tới đây tăng lương hưu 8% hay 15% thì tiền lương tăng thêm gấp nhiều lần so với người có mức lương hưu 3 – 4 – 5 triệu đồng. Hay, khi tăng lương hưu 10%, người lương hưu 30 triệu đồng được thêm 3 triệu đồng; người lương hưu 3 triệu đồng chỉ được thêm 300.000 đồng. Đây là điều bất cập từ rất lâu nhưng chưa xử lý được, bởi trước khi có Luật BHXH, Nhà nước không quy định giới hạn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH nên mọi người đóng theo mức mình muốn. Khi có Luật BHXH, Nhà nước quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu.
Với phần tăng lương hưu thứ hai, theo tôi, những người lương hưu rất cao từ 20 – 30 triệu đồng trở lên thì được tăng tỷ lệ thấp hơn những người lương hưu thấp; người lương hưu thấp được tăng tỷ lệ cao để giúp đời sống của người nghỉ hưu cải thiện hơn. Bởi những người nghỉ hưu già yếu không thể tham gia lao động để có thêm thu nhập, họ rất trông chờ vào sự phân phối lại của xã hội để đời sống được nâng lên.
Vẫn giữ nguyên tắc đóng nhiều – hưởng nhiều
Bộ LĐTB&XH cho rằng, từ ngày 1/7/2024, lương hưu sẽ tăng tối thiểu 15% để người nghỉ hưu bớt khó khăn, thiệt thòi. Trong khi đó, BHXH Việt Nam căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế năm 2023 góp ý đề xuất mức tăng 8%. Ông có ý kiến gì về hai mức đề xuất này?
- Với hai đề xuất tăng lương hưu 15% và 8%, tôi thấy mức tăng 15% khó đạt được vì phải đảm bảo cân đối. Hiện nay có 2 nguồn chi trả hưu trí: Người hưởng lương hưu trước năm 1995, tiền lương hưu do ngân sách Nhà nước chi trả; còn những người về hưu từ năm 1995 trở lại đây, tiền lương từ nguồn quỹ BHXH chi trả. Trong đó, số người hưởng lương hưu từ quỹ BHXH sẽ tăng dần và số người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước lại giảm dần. Theo quan sát của tôi, trong nhiều năm nay, mức lãi suất đầu tư vào quỹ BHXH giảm dần (Luật BHXH khống chế là chỉ mua trái phiếu Chính phủ, cho 4 ngân hàng nhà nước vay) thì tăng lương 8% là sự cố gắng lớn của ngành BHXH.
Hiện nay, quỹ BHXH tồn tích được trên 1,3 triệu tỉ đồng, đây là khoản nhiều người đóng góp để hưởng lương hưu sau này; mình không thể sử dụng nguồn này để điều tiết lại trực tiếp cho những người được hưởng lương hưu được. Bởi phương thức tài chính của BHXH Việt Nam là lập quỹ, có trách nhiệm với chính thế hệ của người lao động. Còn người lao động muốn được cải thiện lương hưu thì trông chờ vào kết quả đầu tư quỹ BHXH và sự tăng trưởng của nền kinh tế do thế hệ kế tiếp tạo ra.
Nhưng tôi muốn nói, tăng lương hưu bình quân chung cho tất cả số người nghỉ hưu là 8% là hợp lý. Nhưng cần có sự cân nhắc phân chia lại tỷ lệ tăng trong những người nghỉ hưu. Ví dụ, những người có lương hưu 2 – 3 triệu đồng thì tăng lương hưu 10 – 12%; người lương hưu 20 – 30 – 40... triệu đồng tỷ lệ tăng lương hưu giảm bớt đi, khoảng 3 – 4%. Nhưng tổng số tiền chi ra để tăng lương hưu tính bình quân 8% là hợp lý. Khi mức đóng BHXH đã giới hạn không quá 20 lần lương cơ sở thì sau này hiện tượng chênh lệch lương hưu quá lớn như hiện nay sẽ không còn nữa.
Việc thực hiện tăng lương hưu như vậy nhưng vẫn giữ nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, chỉ có phần điều tiết lại của xã hội, sự tăng trưởng của xã hội cho hợp lý giúp cải thiện cuộc sống của người nghỉ hưu.
Xin cảm ơn ông!