Tăng lương tối thiểu: Lấp dần khoảng trống thiếu hụt chi phí sinh hoạt

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định Nghị định số 38/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, người lao động (NLĐ) được tăng lương tối thiểu 180.000 – 260.000 đồng/tháng, tùy từng vùng. Nhiều NLĐ rất phấn khởi vì tăng lương sẽ lấp được phần nào khoảng trống trong chi phí sinh hoạt, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng tăng giá.

Từ ngày 1/7/2022, người lao động được tăng lương tối thiểu vùng 6%. Ảnh: Phạm Hùng
Từ ngày 1/7/2022, người lao động được tăng lương tối thiểu vùng 6%. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều doanh nghiệp tăng lương 6%

Để triển khai thực hiện Nghị định đúng quy định, bảo đảm duy trì quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN, ngày 17/6, Bộ LĐTB&XH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện một số công việc. Trong đó, rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Và, không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, nhiều DN đã nhanh chóng tổ chức hội nghị đối thoại với tổ chức công đoàn cơ sở, NLĐ để thỏa thuận về tiền lương. Cũng như gấp rút triển khai xếp lương và đăng ký với sở LĐTB&XH để có thang bảng lương mới cập nhật theo quy định của Chính phủ.

Trước đó, Công ty CP FAS đã có kế hoạch tăng lương cho NLĐ trong mùa hè 2022. Vì thế, khi tuyển dụng người lao động, Phó Giám đốc Công ty CP FAS Đinh Văn Ngọc đã thông tin luôn về việc tăng lương cho công nhân, kỹ thuật viên từ 300.000 – 600.000 đồng/tháng, ngoài ra là hỗ trợ tiền xăng xe từ 500.000 đồng lên thành 1.000.000 đồng, phí điện thoại, ăn bữa trưa… tổng cộng từ 1,8 – 2,2 triệu đồng. Theo đó, kỹ thuật viên có mức lương từ 6 – 12 triệu đồng/tháng, cán bộ nguồn lương 8 – 15 triệu đồng/tháng.

Hiện nay thị trường lao động trong cả nước đang có sự cạnh tranh rất lớn, nhất là trong ngành dệt may thâm dụng nhiều lao động. Vì thế, nhiều công ty may đang sử dụng số lượng lớn NLĐ cũng đã có kế hoạch tăng lương cho NLĐ từ ngày 1/7 để động viên và khuyến khích mọi người làm việc.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, lãnh đạo DN có quan điểm, những gì thuộc về quyền lợi của NLĐ thì chúng tôi thực hiện tối đa theo luật. Tổng Công ty đã xây dựng thang bảng lương mới theo quy định tại Nghị định số 38 của Chính phủ và có khoảng 7.500 NLĐ được tăng 6% lương cơ bản. Bên cạnh đó, Tổng Công ty vẫn duy trì hỗ trợ NLĐ tiền chuyên cần, ăn ca, xăng xe, hỗ trợ xe đưa đón,… khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng. Công ty May liên doanh Plummy tăng lương cơ bản 6% cho công nhân làm công việc giản đơn từ 4.641.000 đồng/tháng lên 4.914.000 đồng/tháng; công nhân may, cắt, là (đã qua đào tạo nghề) lương cơ bản từ 4.965.870 đồng/tháng được tăng lên thành 5.257.980 đồng/tháng.

Chị Hà Thị Phương Anh là Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy chia sẻ: Tăng lương không đủ bù trượt giá. Nhưng đối với công nhân chúng tôi, tăng lương tối thiểu vẫn rất có ý nghĩa vì sẽ lấp được phần nào khoảng trống chi tiêu bị thiếu hụt, nhất là chi phí xăng xe, giá cả thực phẩm tăng giá.

Tăng lương động viên được người lao động

Thời điểm này, bên cạnh nhiều chủ sử dụng lao động đã thương lượng, thỏa thuận với tổ chức công đoàn, NLĐ về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động có lợi hơn cho công nhân lao động so với quy định của pháp luật, thì có những công ty đến thời điểm này vẫn đang trong tình trạng xem xét tăng lương cho NLĐ. Lý do được đưa ra là, các đơn vị đang bị giảm sản lượng bán hàng, trượt giá do tỉ giá kéo theo nhiều thứ khác dẫn đến chi phí sản phẩm tăng. Lại có những công ty không tăng lương vì đã điều chỉnh từ đầu năm, lương cơ bản của NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng Chính phủ quy định.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Showa Nguyễn Minh Sơn cho biết: “Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38 về điều chỉnh tiền lương tối thiểu, bên Công đoàn chúng tôi đã có văn bản gửi chủ sử dụng lao động và hai bên trao đổi. Chủ sử dụng lao động nói là đang xem xét và cách đây 4 - 5 ngày, hai bên đã ngồi họp lần nữa. Cuối cùng, công ty tạm thời chưa tăng lương 6% vì từ đầu năm 2022 đã điều chỉnh nâng 3,5%, hiện nay lương cơ bản cao hơn khá nhiều so với mức lương tối thiểu Chính phủ quy định. Công ty cũng đã điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp chức vụ, tiền ăn, xăng xe cho NLĐ”.

Theo các chuyên gia lao động, những DN đã trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu được quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP mà không điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ ngày 1/7 thì không sai quy định. Tuy nhiên, về phía những công nhân lao động không được tăng lương đợt 1/7 sẽ hụt hẫng, phải gồng mình chống chịu bão giá các mặt hàng. Các chủ sử dụng lao động luôn nói NLĐ là tài sản quý của DN nhưng không điều chỉnh tiền lương để khuyến khích công nhân lao động có động lực sản xuất, tạo ra của cải thì rất có thể họ sẽ đi tìm công ty khác tăng lương theo quy định của Nhà nước.

“DN muốn tồn tại và phát triển bền vững thì cần có những phúc lợi cho NLĐ để họ nhận ra rằng kể cả trong lúc khó khăn công ty vẫn hướng về mình. Nếu DN không có khả năng tăng 6% thì cố gắng 2 – 3% để hỗ trợ một chút cho NLĐ về vật chất. NLĐ đã gắn bó, trụ lại với DN trong lúc khó khăn nhất; DN cũng cần có động thái để hỗ trợ họ” – một công nhân may bộc bạch.

“DN thực hiện tăng lương tối thiểu chính là tháo gỡ khó khăn cho DN chứ không phải là chỉ cho NLĐ. Chắc chắn trong bối cảnh hiện nay, DN nào trả lương èo uột, không điều chỉnh mức lương tối thiểu thì rất dễ xảy ra tình trạng bất ổn về quan hệ lao động, thậm chí là không giữ chân được NLĐ” – Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần