Người lao động rất cần tăng lương
Mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để trả cho NLĐ trong điều kiện bình thường đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Mức lương tối thiểu cũng là sàn để bảo vệ NLĐ và là căn cứ để thương lượng tiền lương trên thực tế.
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN, quy định từ năm 2021, định kỳ hằng năm điều chỉnh mức lương tối thiểu. Thực tế, trong nhiều năm, tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh với mức tăng trung bình 7,4%/năm. Tuy nhiên, hai năm 2020 và 2021 do đại dịch Covid-19, nhiều DN gặp khó khăn nên Nhà nước đã trì hoãn tăng lương tối thiểu.
Trước thực tế cuộc sống của NLĐ hết sức khó khăn, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, chúng ta cần phải xem xét lại việc trì hoãn điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Theo quy định, có 7 yếu tố làm căn cứ để điều chỉnh mức lương tối thiểu; đến thời điểm hiện nay, nhiều yếu tố đã thay đổi buộc chúng ta phải điều chỉnh mức lương tối thiểu cho NLĐ.
“Lâu nay các DN thường tăng lương khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu. Hai năm Nhà nước không điều chỉnh mức lương tối thiểu; nhiều DN không điều chỉnh tiền lương nên nhiều công nhân không được tăng lương. Với những lý do đó, Tổng Liên đoàn đề nghị xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu ngay từ ngày 1/7/2022, thay vì từ ngày 1/1 như hằng năm” - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Lê Đình Quảng kiến nghị.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hậu quả dịch Covid-19”, đến nay đa số các DN đã phục hồi và phát triển tốt. Trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, nhiều DN tuyển dụng số lượng lớn công nhân để thực hiện những đơn hàng mới. Hầu hết các đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Từ thực tế này, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp để tăng lương tối thiểu cho NLĐ. Tăng lương tối thiểu không chỉ là để bù đắp, san sẻ khó khăn với NLĐ mà còn giúp họ yên tâm sản xuất, gắn bó với DN.
Đề xuất tăng lương tối thiểu 9 – 10%
Tăng lương tối thiểu bao nhiêu phần trăm là vấn đề được nhiều người đặt ra. Có ý kiến cho rằng, tiền lương tối thiểu phải bù được trượt giá CPI trong 2 năm qua rất lớn và trượt giá của năm 2022. Bởi vì, nếu bù được trượt giá thì mới giữ được tiền lương thực tế cho NLĐ. “5 năm trước đó, mức tăng lương tối thiểu bình quân 7,4%/năm, như vậy chúng ta tính 2 năm chưa tăng thì thành hơn 14%, DN sẽ không chịu được. Chúng tôi sẽ có tính toán mức tăng để đảm bảo quyền lợi của NLĐ và đảm bảo khả năng chi trả của DN. Sở dĩ, chúng tôi đã xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 cũng là để tránh tình trạng dồn nhiều năm thì tạo ra cú sốc cho DN” – ông Lê Đình Quảng giải thích.
Về phía các chuyên gia lao động rất đồng ý với đề xuất tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2022, tình hình kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng không thể như những năm trước 2019. Mức tăng lương tối thiểu vùng 2022 chỉ nên bù được trượt giá 2 năm (2020 và 2021) và có tính đến mức tăng trưởng thấp của 2 năm này.
“Với mức tăng chỉ số giá sinh hoạt năm 2020 và 2021 tương ứng 2,31% và 1,84% và GDP tăng tương ứng 2,91% và 2,58% thì mức tăng lương tối thiểu vùng 2022 tối đa khoảng 9 -10%. Với mức tăng này, các DN phát triển tốt có thể thực hiện được, nhưng đối với DN phát triển kém do ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 thì khó khăn, do đó cần có gói hỗ trợ từ Nhà nước (ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoặc cho vay không lãi suất từ ngân hàng chính sách xã hội)” – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng đề xuất.
Nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1 là trong điều kiện bình thường; còn trong đại dịch Covid-19 thì phải linh hoạt. Thời gian qua, NLĐ phải chi nhiều tiền khi bản thân, có người trong gia đình bị F0…, đó là chưa kể giá cả tăng chóng mặt ảnh hưởng lớn đến chi tiêu hằng ngày.
Về câu chuyện điều chỉnh lương tối thiểu, cũng có chuyên gia độc lập trong Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị áp dụng bài học thế giới, đó là tăng lương tối thiểu thì DN có lợi nhiều hơn NLĐ. Vì khi NLĐ có mức lương thỏa đáng họ sẽ gắn bó với DN, làm việc có năng suất, chất lượng và tạo điều kiện để phát triển. Thực tế, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN gặp khó khăn nhưng hầu hết các nước đều tăng lương tối thiểu để hỗ trợ NLĐ và phục hồi thị trường lao động. Ông Lê Đình Quảng cho rằng, đây là cách tiếp cận tiến bộ và hết sức hiện đại để chúng ta thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là không sử dụng lao động giá rẻ và không vì mục tiêu phát triển để đánh đổi cuộc sống và các vấn đề khác của NLĐ.