Tăng phí SMS Banking: Ai thiệt, ai lợi?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã tăng phí SMS banking ở mức độ khủng khiếp khiến nhiều khách hàng bức xúc. Nhiều người phản ứng bằng cách tạm ngừng sử dụng dịch vụ.

Phí SMS gấp 5 - 7 lần

Anh Trần Thế Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vừa nhận được thông báo thu phí dịch vụ SMS Banking tự động của Vietcombank tháng 1 với mức phí 77.000 đồng, cao gấp 7 lần so với những tháng trước. “Số tiền này không lớn nhưng vì ngân hàng ghi là thu phí SMS Banking tháng 1/2022, trong khi những tháng trước đó phí chỉ là 11.000 đồng”.

Thông báo của VCB điều chỉnh phí và khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng số
Thông báo của VCB điều chỉnh phí và khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng số

Cũng rơi vào tình huống tương tự, với công việc kinh doanh tạp hóa, chị Nguyễn Hoàng Lan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư SMS Banking để theo dõi dòng tiền đi - đến tài khoản. Thông thường, mức phí chị phải chịu cho dịch vụ này là 11.000 đồng/tháng, nhưng trong đợt thu phí tự động gần nhất, mức phí chị phải chi trả cũng lên tới 77.000 đồng.

“Khi gọi lên tổng đài, phía ngân hàng cho biết đây là chính sách thu phí mới đã được ngân hàng thông báo thay đổi từ cuối năm 2021” - chị Nguyễn Hoàng Lan chia sẻ.

Trên thực tế, việc tăng phí dịch vụ đã được ngân hàng thông báo từ ngày 31/12/2021, tuy nhiên rất nhiều người dùng không để ý cho đến khi tiền phí bị trừ trực tiếp vào tài khoản. Ví dụ như Vietcombank tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 77.000 đồng/tháng tùy số lượng tin nhắn.

Trong khi đó, BIDV đưa ra chính sách, đối với 0-15 SMS/tháng, ngân hàng thu phí 9.900 đồng, từ 16 - 50 SMS/tháng thu phí 33.000 đồng, từ 51 - 100 SMS/tháng có phí 60.500 đồng và từ 100 SMS/tháng thu phí 77.000 đồng. Hay tại Techcombank, phí SMS banking được tính: 0 - 15 tin nhắn/tháng thu phí 13.200 đồng, 16 - 30 tin nhắn/tháng thu phí 19.800 đồng... Như vậy, mức thu phí cao nhất có thể tới 1.022.000 đồng/năm. Sacombank cũng miễn phí gửi thông báo biến động số dư qua ứng dụng Sacombank Pay, trong khi tiếp tục thu phí dịch vụ SMS banking 10.000 đồng/tháng chưa gồm VAT...

Giải thích cho việc thu phí cao, các ngân hàng cho biết, hiện nay khách hàng vẫn sử dụng phổ biến hình thức nhận thông báo thay đổi số dư và nhận OTP - mật khẩu giao dịch một lần qua tin nhắn SMS. Ngân hàng thường chỉ thu phí đối với dịch vụ thông báo thay đổi số dư và không thu phí đối với tin nhắn gửi OTP. Để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ tin nhắn SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông.

Hiện, các ngân hàng vẫn chịu mức phí của nhà mạng từ 785 - 820 đồng/tin nhắn, cao gấp nhiều lần cước tin nhắn thông thường ở những lĩnh vực khác. Chính vì vậy, khoản tiền chi trả cho nhà mạng đang rất lớn, có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho các ngân hàng. Vì vậy các ngân hàng phải tăng mức thu phí dịch vụ tin nhắn thông báo số dư.

Do đó, thời gian gần đây, các ngân hàng đã chuyển hướng mạnh sang khuyến khích khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số… (nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng - App và xác thực giao dịch thông qua Smart OTP) để thay thế tin nhắn dịch vụ ngân hàng. Theo đó khách hàng có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua OTT (dịch vụ OTT Alert). Dịch vụ OTT Alert hoàn toàn miễn phí mà vẫn hỗ trợ đầy đủ các thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ, thông tin dịch vụ, chương trình ưu đãi nổi bật và nhiều thông tin khác ngay trên ứng dụng ngân hàng số.

Đặc biệt, một số ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì trên kênh ngân hàng số. Điều này sẽ giúp ngân hàng tiết giảm được chi phí, hạn chế thấp nhất việc thu phí đối với khách hàng đồng thời cũng hạn chế tin nhắn giả mạo. Phó Giám đốc một ngân hàng lớn cho biết, sau 2 năm dịch bệnh khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử đã tăng rất mạnh.

Nhà mạng sẽ mất nghìn tỷ nếu khách bỏ dịch vụ SMS Banking?

Câu chuyện cước phí tin nhắn đối với dịch vụ ngân hàng không còn mới mẻ. Hơn một năm qua, các ngân hàng đã thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhiều lần gửi kiến nghị nhưng nhà mạng quyết không giảm phí tin nhắn. Không những vậy, cước tin nhắn thương hiệu gấp ba lần tin nhắn thông thường.

Cụ thể, với doanh nghiệp (bao gồm các tổ chức tín dụng), MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Viettel thu 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Với khách hàng cá nhân, Viettel thu 100 - 300 đồng/SMS, VinaPhone thu 99 - 350 đồng/SMS, MobiFone thu 200 - 350 đồng/SMS...

Với chi phí SMS quá lớn, ngân hàng khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (App)
Với chi phí SMS quá lớn, ngân hàng khuyến khích khách hàng chuyển sang các hình thức khác như nhận thông báo số dư qua ứng dụng ngân hàng (App)

Mới nhất, tháng 8/2021 VNBA đã có công văn gửi tới Bộ TT&TT đề nghị Bộ này chỉ đạo quyết liệt nhà mạng giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân hàng khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí, hạ, giảm lãi suất tiền vay cho khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19. Được biết, đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2020 VNBA gửi văn bản đề xuất giảm phí.

Các chuyên gia cho rằng việc thay đổi chính sách phí của  ngân hàng lần này sẽ dẫn đến làn sóng hủy dịch vụ SMS Banking quy mô lớn để chuyển sang nhận tin qua app. “Phần thiệt sẽ rơi vào phía nhà mạng, nếu khách hàng của các tổ chức tín dụng không sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS Banking nữa” - Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

“Các tổ chức tín dụng với lượng khách hàng lên đến vài chục triệu người đang là khách hàng lớn của các nhà mạng. Nếu không vì quyền lợi của người sử dụng mà giảm mức phí tin nhắn SMS thì chắc chắn các nhà mạng sẽ bị thiệt đầu tiên” - ông Hùng nhận định.

Theo VNBA tính toán, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng; ngân hàng quy mô lớn khoảng 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Với số lượng 49 ngân hàng tại Việt Nam như hiện nay, ước tính số tiền cước phí các ngân hàng phải trả cho nhà mạng có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng/tháng.

Hiện tại, trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều người dùng đang phản ứng về việc bị ngân hàng tăng mạnh phí dịch vụ này đồng thời đua nhau hủy dịch vụ và chuyển sang dùng dịch vụ nhận tin nhắn qua app để khỏi phải trả phí sau khi bị thu phí “cắt cổ”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần