Còn buông lỏng sau cấp phép
Năm nay đánh dấu tròn 35 năm kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ngày 29/12/1987).
Trong hơn 3 thập kỷ qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Đến nay, khu vực kinh tế FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Các DN FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, khoáng sản sang công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; xuất siêu của các DN FDI không những bù đắp nhập siêu của DN trong nước, mà còn góp phần cân đối cán cân thương mại quốc tế. Khu vực DN FDI đã tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của cả nước và hàng triệu lao động gián tiếp khác...
Dù vậy, vẫn còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục của khu vực FDI tại Việt Nam. Một trong những hạn chế được Bộ KH&ĐT chỉ ra là chất lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao khi số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ, Châu Âu chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ (5%), công nghệ trung bình chiếm 80%. Đặc biệt, tỉ lệ dự án có công nghệ lạc hậu chiếm tới 15%.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của nhiều DN FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi được hưởng. DN FDI còn thiếu liên kết, chưa có tác động lan tỏa với DN trong nước. DN FDI chủ yếu nhập khẩu về để phục vụ sản xuất, hạn chế nhận cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa từ các DN trong nước...
“Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi nhận thấy, thể chế, chính sách về FDI vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển” - TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói. Nhưng kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Báo cáo đầu tư FDI năm 2021, tại một số địa phương, khu công nghiệp cho thấy: Hầu hết địa phương nhóm nghiên cứu khảo sát chưa thống kê được vốn FDI thực hiện hàng năm phân theo ngành kinh tế. Số liệu về vốn thực hiện thiếu chính xác và chưa đầy đủ vì thiếu cập nhật thông tin từ DN FDI trên địa bàn.
Vì thế, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá một cách nghiêm túc và chuẩn xác về hiệu quả FDI tại Việt Nam. “Điều này cho thấy, một phần chính quyền các cấp quá coi trọng khâu xúc tiến, cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng còn buông lỏng quản lý dự án sau cấp phép” - Báo cáo Đầu tư FDI năm 2021 viết.
Rà soát các dự án FDI quy mô lớn
Bộ KH&ĐT vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT thay thế Thông tư số 09/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thông tư cũng quy định, thẩm quyền của UBND các tỉnh, TP là tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá tổng thể về hoạt động đầu tư nước ngoài trong phạm vi quản lý của địa phương. Đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành thuộc thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên ngành sẽ chịu sự giám sát, đánh giá của các cơ quan này theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài được thực hiện công khai, minh bạch, không gây cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng có Công văn số 3409/BKHĐT-ĐTNN ngày 25/5/2022 đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Trong đó, báo cáo thông tin liên quan tới tình hình góp vốn, giải ngân vốn đầu tư; việc thực hiện các mục tiêu quy định tại giấy phép đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư… Việc thực hiện các cam kết về tiến độ triển khai dự án; tình hình sử dụng đất và việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; việc chấp hành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (các loại thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tình hình chấp hành quy định về môi trường, bảo đảm về môi trường…)
Việc tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án FDI nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc của DN để tìm giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn; đôn đốc những dự án chậm tiến độ, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ các cam kết; đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Nói cách khác công tác hậu kiểm luôn phải đi đôi, song hành cũng công tác thu hút, xúc tiến đầu tư thì hiệu quả của nguồn vốn FDI mới thực sự phát huy. (TS. Phan Hữu Thắng, nguyên là Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài)
Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, những DN FDI báo lỗ nhiều lần nhưng vẫn tăng vốn, mở rộng đầu tư là bất thường, cần kiểm tra, giám sát để hạn chế hành vi chuyển giá thì ngay từ khâu lựa chọn, cấp chứng nhận đầu tư dự án FDI các địa phương cần nắm được mục đích, khả năng, lịch sử, cách quản lý DN của nhà đầu tư. Cần một bộ tiêu chí chọn lọc tốt để các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng ít tài nguyên đất đai, ít năng lượng hơn nhưng hiệu quả đầu tư cao hơn.
Đồng quan điểm, PGS, TS Trần Hoàng Ngân cần phát triển lực lượng cán bộ quản lý môi trường về chất lượng và số lượng. Cần có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hai là, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án công nghiệp quy mô lớn, ở ven biển và khu dân cư. Kiên quyết xử lý các dự án đầu tư không tuân thủ và vi phạm pháp luật về môi trường, kể cả việc quyết định ngừng hoạt động của dự án để khắc phục vi phạm môi trường hoặc cao hơn, có thể là chấm dứt hoạt động của dự án. Đồng thời, phải minh bạch sai phạm để không làm ảnh hưởng đến những dự án FDI đang tuân thủ tốt các quy định về môi trường, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng kiến nghị, cần phát triển hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để có cơ sở giám sát và đánh giá hiệu quả dự án FDI và thúc đẩy thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa DN FDI với DN trong nước, kết nối công nghiệp hỗ trợ của các địa phương với FDI toàn cầu.