Thông qua nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính 6 tỉnh, TP Sáng 11/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của 6 tỉnh, TP, trong đó có Hà Nội. Theo đó, TP Hà Nội thực hiện sắp xếp 10 xã, đưa số lượng ĐVHC cấp xã của TP từ 584 giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 5 đơn vị). Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc sắp xếp các ĐVHC các tỉnh đều thận trọng, công khai dân chủ, minh bạch trong việc lấy ý kiến của Nhân dân. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc sắp xếp lại các ĐVHC cấp huyện, xã; các tỉnh, TP phải tiếp tục làm công tác dân vận, lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, ý kiến người dân. Tập trung xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới… |
Tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách là cần thiết
Kinhtedothi - Ngày 11/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó có quy định về đại biểu (ĐB) Quốc hội chuyên trách.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tỷ lệ ĐB Quốc hội hoạt động chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất là 35% tổng số ĐB Quốc hội như hiện nay, cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37%, 40% tổng số ĐB hoặc cao hơn nữa. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo xin thể hiện thành hai phương án để xin ý kiến. Theo đó, Phương án 1 giữ quy định về tỷ lệ ĐB Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐB (tương đương khoảng 175 ĐB) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Đây cũng là phương án mà Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành. Phương án 2 quy định tỷ lệ ĐB Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐB (tương đương khoảng 200 ĐB).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu tăng tỷ lệ ĐB Quốc hội chuyên trách lên 37 - 40%, chúng ta có cơ hội để thu hút các chuyên gia, các cán bộ từng công tác tại các bộ, ngành, tổ chức xã hội mà có uy tín, trình độ, sức khỏe tiếp tục ứng cử làm ĐB Quốc hội để cống hiến. "Nếu tỷ lệ được tăng lên như vậy thì có thể dành từ 3 - 5% số ĐB Quốc hội cho những người có kinh nghiệm như vậy" – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm, Luật hiện hành quy định tỷ lệ ĐB Quốc hội là 35% là số tối thiểu nên hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ này lên. Tuy nhiên, trong thực tế, chưa bao giờ số ĐB Quốc hội chuyên trách đạt tỷ lệ này, cao nhất mới chỉ đạt 34% bởi khi bầu một ĐB còn liên quan đến cơ cấu, tiêu chuẩn.
Một vấn đề nữa cũng được đưa ra là đề nghị chuyển Ban Dân nguyện và Ban Công tác ĐB thành các ban chuyên môn thuộc Quốc hội (thay vì thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay). Theo đó, các ban sẽ không tương đương như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà sẽ tương đương như Ban Thư ký của Quốc hội, là cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Đồng tình với đề xuất này, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc các quy định trong Dự Luật, tránh tình trạng "hành chính hóa" hoạt động của Quốc hội, biến lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội thành "thủ trưởng chế".