Tăng thực phẩm sạch cho Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, người sản xuất được đảm bảo đầu ra và người tiêu dùng mua được thực phẩm chất lượng với giá gốc. Đặc biệt, chuỗi liên kết này còn giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp đi vào chuyên môn hóa dựa trên sản phẩm thế mạnh của mỗi địa phương.

Nhiều cơ sở cung cấp thực phẩm sạch

Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội vừa tiến hành ký kết hợp tác với Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội (sanbanbuon.vn) và 5 công ty, trang trại về xây dựng chuỗi sản xuất, phân phối thực phẩm sạch.

Đó là các đơn vị chuyên sản xuất, cung ứng trứng gà, gà thịt, lợn thịt an toàn như: Công ty CP chế biến thực phẩm sạch 3F, Trang trại 729 (xã Yên Bài - huyện Ba Vì), Trang trại Bảo Châu (xã Minh Phú - huyện Sóc Sơn), Công ty CP Tiên Viên (xã Đại Yên - huyện Chương Mỹ), Công ty CP Giang Sơn (Yên Thế - Bắc Giang). Trong đó, có những trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học khá nổi tiếng tại Hà Nội.

 Đơn cử như Công ty CP Tiên Viên từ năm 2011 đã liên kết với hàng chục trang trại vệ tinh tại địa phương để xây dựng chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ trứng gà sạch mang thương hiệu Tiên Viên.
 
 
Tăng thực phẩm sạch cho Hà Nội - Ảnh 1
Nuôi lợn thịt tại xã Yên Bài, Ba Vì.   Ảnh:  Minh Việt

Hiện nay, công ty có công suất cung ứng 90.000 - 100.000 trứng gà/ngày, 2.000 - 5.000 con gà lông/ngày. Hay như Trang trại Bảo Châu của ông Nguyễn Đại Thắng, thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn có diện tích 17.000m2 với khả năng cung ứng 7 - 10 con lợn và 1.000 trứng gà an toàn sinh học/ngày...

Hiện 5 cơ sở này có năng lực cung ứng gần 300.000 trứng gà sạch/ngày, gần 10.000 con gà/ngày... Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cho biết, theo chương trình ký kết, do được đảm bảo tốt về đầu ra nên trong năm 2013, các công ty, trang trại đều tăng công suất chăn nuôi lên 10 - 15%. Do đó, nguồn cung thực phẩm sạch cho thị trường Hà Nội sẽ được cải thiện đáng kể.

Chuyên môn hóa sản xuất

Có thể nói, năm 2012 là một năm đầy "sóng gió" với ngành nông nghiệp, bởi hàng loạt sự cố mất vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản được phát hiện như thịt lợn có chất cấm, rau nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật...

Trước tình trạng này, việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn càng trở nên cấp thiết. Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc sanbanbuon.vn, lâu nay người tiêu dùng không biết lựa chọn rau an toàn ở đâu, trong khi người sản xuất rau sạch lại không bán được sản phẩm. Rõ ràng, sản xuất nông nghiệp đang bị "lỗi hệ thống".

Tuy nhiên, từ khi sanbanbuon.vn ra đời vào giữa năm 2012, phương thức tiếp cận thực phẩm an toàn đã được thay đổi rõ rệt. Trong đó, rau quả được giám sát chặt chẽ về quy trình sản xuất, chất lượng ngay từ ruộng, dán nhãn nhận diện sản phẩm sau đó đưa lên sàn phân phối.

Phương thức phân phối qua sàn đã loại bỏ nhiều khâu trung gian nên người tiêu dùng có thể mua được thực phẩm với giá gốc. Đặc biệt, thông qua giao dịch này, các HTX còn điều chỉnh sản xuất theo hướng chuyên môn hóa dựa vào thế mạnh của từng địa phương như xã Văn Đức (Gia Lâm) chuyên trồng bắp cải; Lĩnh Nam, Duyên Hà (Thanh Trì) chuyên cà chua...

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng là một trong những nhiệm vụ chiến lược của ngành nông nghiệp Hà Nội từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Dự kiến từ nay tới năm 2015, Sở NN&PTNT Hà Nội cơ bản ký kết hợp tác được với toàn bộ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn thành phố để cung ứng thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng Thủ đô.

 
Tại cuộc giao ban trực tuyến với các địa phương về an toàn thực phẩm mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo, trong tháng 1/2013, Hà Nội phải hoàn thành việc ký kết hợp tác với các tỉnh về cung ứng thực phẩm an toàn. Hiện, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Hà Nội mỗi năm cần hơn 60.000 tấn thịt lợn, 10.000 tấn thịt gia cầm, 20.000 tấn thịt trâu bò...